Muốn sống thọ hãy 'ăn sáng như vua, ăn tối như hành khất'

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, ngày nay nhiều người thường không có thói quen ăn sáng. Trẻ đi học, người lớn đi làm với cái bụng rỗng lâu ngày đã thành nếp quen. Một phần là do nhiều người thức khuya, ngủ nướng, luôn dậy sát giờ nên không kịp thời gian ăn sáng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và năng suất lao động, học tập. Dù vậy trên thực tế việc thay đổi thói quen này không hề dễ dàng. Bác sĩ khuyên tốt nhất nên tập thói quen dậy sớm hơn một chút để có thời gian chuẩn bị bữa sáng. Nếu thấy quá rườm rà, bạn có thể dùng điểm tâm tại các quán ăn song cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một sai lầm phổ biến ở một số phụ nữ muốn giảm cân nên bỏ qua bữa sáng gây tác hại nghiêm trọng đến dạ dày cũng như giảm hiệu quả lao động trong ngày. Nghiên cứu cho thấy bạn nên chú trọng bữa sáng, giảm ăn dần về chiều tối. Nếu không ăn sáng, bạn có xu hướng ăn nhiều vào các bữa tiếp theo, dễ gây tích lũy mỡ và cholesterol.

Sau bữa ăn sáng, bạn thường phải làm việc, học hành sẽ tiêu hao năng lượng. Ngược lại sau bữa tối bạn nghỉ ngơi hoặc ngồi một chỗ dẫn đến dễ tích lũy mỡ thừa. Nghiên cứu cho thấy một bữa ăn sáng nghiêm túc rất cần thiết, đặc biệt quan trọng với người muốn giảm cân.

Xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bữa sáng rất đơn giản. Nếu bạn muốn tự tay thực hiện, nên chuẩn bị các nguyên liệu vào buổi tối và chế biến nhanh vào sáng hôm sau. Lưu ý bữa ăn sáng phải được coi là một trong ba bữa ăn chính trong ngày, do đó cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, bao gồm các nhóm: bột đường (cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở, hủ tíu), chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu), chất béo (dầu, mỡ, bơ), vitamin, khoáng chất và chất xơ (rau, trái cây).

Về khối lượng: Bữa ăn sáng phải cung cấp cho cơ thể từ 1/4 đến 1/3 nhu cầu về năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất của một ngày. Chế độ ăn này đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng dàn trải suốt cả ngày thay vì dồn cả “gánh nặng” lên bữa trưa và tối.

Thực đơn dinh dưỡng cho bữa sáng nên ăn đa dạng, đổi món thường xuyên. Có thể thay thế cơm bằng bột ngũ cốc dinh dưỡng, bên cạnh đó dùng các thực phẩm giàu protein và chất béo như trứng gà, thịt nạc, các chế phẩm từ đậu, rau quả để bổ sung các vitamin, chất xơ, cùng các nguyên tố vi lượng và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Có thể thêm một ly sữa tùy theo nhu cầu lứa tuổi. Sữa bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương, sữa đặc trị cho ngưởi cao tuổi, bệnh nhân đái tháo đường…

Bình luận của bạn