Nấm mỡ - Món ăn bổ dưỡng và chữa bệnh
Nấm mỡ
Theo sách Bản thảo cương mục, nấm mỡ có tác dụng ích tràng vị, hóa đàm, lý khí. Sách Y học nhập môn thì cho rằng nấm mỡ có khả năng làm cho tinh thần sảng khoái, kích thích tiêu hóa, cầm tiêu chảy và cầm nôn.
Theo dược lý học hiện đại, nấm mỡ rất giàu đạm, nguyên tố vi lượng và nhiều loại axit amin quý. Nó có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn e.coli. Các nhà khoa học Nhật Bản đã chiết xuất từ nấm mỡ chất PS - K, có công dụng kháng ung thư, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể. Khảo nghiệm trên lâm sàng đối với ung thư vú và ung thư da thấy hiệu quả khá tốt.
Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học cũng nhận thấy việc dùng nấm mỡ làm thức ăn hằng ngày hoặc uống nước sắc loại nấm này thường xuyên có thể trị viêm gan mạn tính và chứng giảm thiểu bạch cầu, hiệu quả sẽ được nâng cao khi dùng kết hợp với ngũ vị tử (có thể đạt tới 73%). Ngoài ra, nấm mỡ còn có tác dụng làm giảm đường máu, hạ nồng độ cholesterol trong huyết thanh và cải thiện chức năng tuyến tụy. Vì vậy, nấm mỡ là một trong những thực phẩm lý tưởng dành cho những người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh lý tuyến tụy.
Trong bữa ăn hằng ngày, nấm mỡ được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tác dụng của nó và tạo cho món ăn có hương vị thơm ngon, người ta thường phối hợp nấm mỡ với nhiều loại thực phẩm khác:
Nấm mỡ 200 g, đùi ếch 100 g, hành, gừng tươi, tỏi, hạt tiêu, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Đùi ếch bỏ da, rửa sạch, rán non; nấm mỡ bổ đôi, chần qua nước sôi, để ráo nước. Phi hành tỏi cho thơm rồi xào lẫn đùi ếch với nấm, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Ích vị kiện tỳ, lý khí hóa đàm, thanh nhiệt lợi niệu.
Nấm mỡ 200 g, tôm tươi 500 g, cà rốt, măng củ, hành, gừng tươi, dầu thực vật, bột đao và gia vị vừa đủ. Nấm rửa sạch, khía hình chữ thập trên mũ, chần qua nước sôi, để ráo nước; tôm bóc vỏ, bỏ đầu, rửa sạch, ướp nước gừng và gia vị; cà rốt và măng củ rửa sạch, thái mỏng. Phi hành cho thơm rồi xào lẫn tôm với cà rốt và măng trước, kế đó cho nấm vào, đun to lửa một lát là được, chế đủ gia vị. Công dụng: Bổ thận tráng dương, kiện tỳ ích vị, hóa đàm tiêu thực.
Nấm mỡ 150 g, đậu phụ 300 g, măng củ 100 g, nước dùng (nước luộc gà hoặc nước ninh sườn) 200 ml, hành, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Nấm rửa sạch, bổ đôi, chần qua nước sôi; măng thái mỏng; đậu phụ xắt miếng nhỏ. Tất cả cho vào nồi, chế đủ gia vị, đổ nước dùng vào đun sôi chừng 10 phút là được. Công dụng: Kiện tỳ ích vị, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc.
Nấm mỡ 350 g, lòng non lợn 500 g, hành, tỏi, gừng tươi, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Lòng non làm sạch, cắt đoạn chừng 2 cm, gừng thái phiến, hai thứ cho vào nồi áp suất đun trong 2 phút rồi lấy ra, để ráo nước; nấm mỡ rửa sạch, chần qua nước sôi. Phi hành tỏi cho thơm rồi xào nấm với lòng non, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Kiện vị tiêu thực, hóa đàm, thanh tràng, chỉ huyết.
Nấm mỡ 200 g, cá trạch 300 g, hành, gừng tươi, hạt tiêu, tương, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Nấm rửa sạch, chần qua nước sôi, để ráo nước; cá trạch làm sạch, cắt đoạn, ướp nước gừng tươi và gia vị trong 30 phút, sau đó cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi chừng 15 phút rồi cho nấm vào, đun tiếp một lát là được, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Tiêu đàm, tiêu thực, trừ thấp.
Theo kinh nghiệm dân gian, nấm mỡ là thức ăn dễ gây dị ứng, những người mẫn cảm với nấm không nên dùng.