Nắng nóng, ăn rau dền nhất định phải nhớ những điều này
Rau dền có 2 loại: trắng và đỏ. Rau dền đỏ chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần.
Theo Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, rau dền có nhiều công dụng. Ngoài tác dụng làm món ăn (luộc, xào hoặc nấu canh ăn rất ngon và ngọt), cả 2 loại rau dền này đều là những vị thuốc hay.
Trong Đông y, rau dền vị ngọt, tính lạnh, không độc, giúp dễ sinh, trị lở môi, lở loét do sơn ăn và sát trùng, khử độc nọc ong, rắn.
Y học cổ truyền cũng ghi nhận những tác dụng khó ngờ của rau dền như: Dùng rau dền đỏ luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái.
Mỗi ngày ăn khoảng 15-20 g, ăn trong vài ngày là khỏi chứng máu nóng sinh kiết lỵ, lở loét, hoặc nếu mắc chứng ho lâu ngày, dai dẳng không khỏi thì bài thuốc này cũng trị được.
Rau dền được biết đến là thực phẩm giúp nhuận tràng rất tốt.
Rau dền đỏ 1 nắm, nhặt sạch, rửa rồi luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm rất công hiệu hoặc có thể dùng rau dền đỏ nấu canh ăn cũng rất hiệu nghiệm với các trường hợp táo bón.
Khi không may bị rắn cắn, có thể lấy rau dền đỏ giã nát, vắt lấy khoảng 1 bát nước cho uống, còn bã đắp lên vết thương.
Khi bị rắn cắn, phải lập tức băng chặt (bằng dây chun hoặc dây vải) phía trên vết cắn (phía gần với tim hơn) rồi mới dùng thuốc. Sau đó, phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
Còn khi bị ong đốt (nhất là giống ong to có độc) thì lấy rau dền vò nát, xát cả vào vết đốt là khỏi.
Dù có rất nhiều tác dụng gần gũi với đời sống, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý, rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.
Đặc biệt, không nên ăn thịt ba ba cùng với rau dền vì theo Đông y, việc 2 thứ này kết hợp với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.