Người uống nước vối cần biết những điều này

Ở nước ta, từ lâu, nụ vối và lá vối được người dân dùng làm trà uống giải khát rất tốt vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết khi uống nước vối. Tuy nhiên, nếu uống khi đói hoặc uống quá nhiều cũng không tốt cho cơ thể. Vậy nên uống bao nhiêu ly nước vối một ngày?

Không nên uống vối khi bụng đói. Ảnh: Hà My

Không nên uống vối khi bụng đói. Ảnh: Hà My

Bụng cồn cào, mệt mỏi vì cốc vối đặc

Cứ đến mùa hè, mọi người trong gia đình chị Nguyễn Thị Vân (ở Hà Nội) đều bị nóng trong, ngứa ngáy khắp người. Nghe mọi người mách, chị Vân mua cả bao tải lá vối về đun uống dần. Để giúp thanh nhiệt, giải độc, mỗi ngày chị Vân đều uống từ 3 - 4 cốc nước vối. Bình thường chị uống nước vối sau khi ăn thấy rất dễ chịu vì giúp tiêu hóa. Nhưng cũng có vài lần sau những giờ làm việc mệt mỏi, bụng đang đói lại quá khát, chị uống vội cốc nước vối thì thấy bụng cồn cào, mệt mỏi, chân tay rã rời như tụt huyết áp. Không chỉ chị mà chồng chị cũng có cảm giác này khi uống nước vối lúc đói.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng –Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam cho biết, nước vối có công hiệu giải nhiệt rất hiệu quả trong những ngày hè nóng nực. Nó có thể làm mát cơ thể và rất lợi tiểu nên giúp đào thải các độc chất trong cơ thể qua đường tiết niệu.

Trong y học cổ truyền, vối vị đắng, chát, tính mát. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, hạ khí, tiêu đờm. Lá và nụ vối từ lâu đã được nhân dân ta nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ.

Về hiện tượng mọi người uống nước vối khi đói bụng thường hay bị cồn cào là do nước vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng, ăn ngon miệng... vì tác dụng này nên uống khi đói sẽ làm nhu động ruột hoạt động nhiều, gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, sa sầm mặt mày, mất năng lượng. Bởi vậy, ngoài tác dụng của nước vối, người dùng cần lượng thể trạng, sức khỏe để uống sao cho có hiệu quả nhất.

Ngoài ra, mọi người cũng nên sử dụng lá và nụ vối khô thay vì thói quen dùng lá vối tươi như nhiều gia đình hiện nay. Việc dùng lá vối tươi có các tác nhân kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Bất cứ loại thảo dược hay thuốc bổ nào thì việc lạm dụng cũng gây ra những hệ quả nhất định. Uống quá nhiều chè lá vối và nụ vối đôi khi còn gây rối loạn tiêu hóa.

Chỉ nên uống 1 ấm hoặc 1 ly lá vối một ngày

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, cây vối hay còn gọi là hậu phác có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae) có nhiều bộ phận được dùng tốt là vỏ thân, lá, nụ. Trong lá vối có saponin, rất ít tanin, vết ancaloit (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và 4% tinh dầu bay hơi, mùi thơm dễ chịu. Các bộ phận khác của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong lá và nụ vối đều có tính kháng sinh đối với một số vi trùng Gram+ và Gram- ở tất cả các giai đoạn phát triển. Chất kháng sinh (kháng khuẩn) thường tập trung cao nhất ở lá vào mùa Đông. Hoạt chất kháng sinh tan trong nước, các dung môi hữu cơ, vững bền với nhiệt độ và ở các môi trường có độ Ph từ 2 - 9. Chúng có tác dụng mạnh nhất đối với Streptococus (hemolytic và staman), sau đến vi trùng bạch hầu và Staphyllococcus và Prieumococcus. Hoàn toàn không có độc đối với cơ thể người.

“Nói chung uống trong nên dùng nụ lá khô, bôi rửa ngoài nên dùng tươi. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được xem có tính chất sát trùng để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa. Lá vối tươi rất ngái vì có nhiều chất diệp lục nên phải ủ để phá hủy chất này. Dùng nguyên liệu khô thì phải bảo quản tốt, vì nếu nhiễm nấm rất dễ gặp các độc tố nấm mycotoxin sinh bệnh”, lương y Bùi Đắc Sáng cho hay.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Hội các ngành sinh học Việt Nam, lá vối được coi là cứu tinh với những người bị bệnh gout. Tác dụng của lá và nụ vối giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc. Đối với bệnh nhân gout do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau.

Do vậy dùng thường xuyên lá và nụ vối có tác dụng hỗ trợ tiêu tích, làm tan các chất uric đào thải ra ngoài nên góp phần trong phòng ngừa, điều trị bệnh gout. Mọi người có thể dùng lá hoặc nụ vối với liều lượng khoảng 1 ấm nước lá vối/1 ngày hoặc một ly nước lá vối/1 ngày là được. Không nên uống nhiều quá, sẽ không tốt cho hệ bài tiết. Tốt nhất không nên uống nước vối quá nhiều sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu pha loãng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãm lấy nước uống thay trà trong ngày kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.

Một số bài thuốc hay từ cây vối

- Chữa đờm thấp, khí trệ hoặc cảm nhiễm ẩm thấp làm bụng đầy, không tiêu, nôn mửa, thân thể nặng nề: Vối 16g, thương truật 16gr, trần bì 16gr và cam thảo 8gr. Tán bột uống 25 – 30 gr/ngày hoặc thêm gừng (3 lát) sắc uống.

- Chữa hoắc loạn, đau bụng: Vối chế gừng tán bột, uống 8g/lần.

- Chữa đại tràng táo kết: Vối tùy dùng tán bột cho vào dạ dày lợn, ninh nhừ, sấy khô, tán bột, viên bằng hạt ngô, uống 30viên/lần với nước gừng.

- Chữa đầy bụng: Hậu phác, bạch truật, bạch thược, nhân sâm, bạch linh mỗi thứ 12gr đem sắc uống.

- Chữa vị hàn, nôn mửa: Hậu phác, trần bì, bán hạ chế, hoài sơn, hoắc hương mỗi thứ 12gr và sa nhân 8gr, sinh khương 5 lát đem sắc nước uống.

- Hỗ trợ trị tiểu đường: Nụ vối 15 - 20g sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày hay hãm uống thay trà. Cần uống thường xuyên.

(Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng)

Bình luận của bạn