Những biến chứng nguy hiểm của sỏi thận
Sỏi thận là căn bệnh nguy hiểm thường gặp chiếm tỉ lệ lớn - khoảng 30% các bệnh lý về đường tiết niệu. Bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn ở nữ.
Độ tuổi mắc bệnh thường từ 20 đến 50 tuổi, ở nữ thì trẻ hơn, từ 20 đến 40 tuổi. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Nguyên nhân hình thành sỏi và biến chứng do sỏi gây ra
Phần lớn các trường hợp sỏi thận hình thành do cơ thể không có đủ nước (từ việc mất nước do uống ít nước hoặc tập thể thao quá sức) hay thừa khoáng tinh thể trong nước tiểu. Các khoáng chất như: canxi, oxalate, axít uric, natri, cystine hay phốt pho kết thành một khối rắnó chính là sỏi thận. Sỏi thận cũng có thể ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có thể ở trong thận, bàng quang hay niệu đạo.
Vị trí sỏi thận trong cơ thể. |
Sỏi thận là một dạng của sỏi niệu. Sỏi niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn. Những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn, sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đái ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Sỏi nằm tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó.
Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận.
Khi sỏi cọ xát vào đường niệu, nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục. Nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận.
Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu, kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa là giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu.Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Một số trường hợp bị vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi.
Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản, hay sỏi thận một bên còn bên kia sỏi niệu, còn dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận sẽ bị giảm nếu có sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận.
Điều trị
Tùy theo kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra mà bác sĩ có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác nhau. Chính vì những biến chứng nguy hiểm mà sỏi thận gây ra, một số trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay. Số khác có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Vài trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng đau nhiều, đái ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.
Sỏi thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm . |
Về điều trị sỏi thận, cần uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít một ngày; điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận; điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ hình thành sỏi. Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo nguyên nhân. Ngày nay có nhiều phương pháp can thiệp lấy sỏi như: mổ lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể và nội soi lấy sỏi, nội soi tán sỏi qua da qua đường...
Cần phải làm gì để đề phòng?
Cách dự phòng rẻ nhất và hữu hiệu nhất là nên uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít một ngày. Loại sỏi thận hay gặp nhất là sỏi canxi, nên câu hỏi đặt ra là có nên dùng canxi hay không? Câu trả lời là không cấm tuyệt đối, nhưng nên dùng ở mức độ vừa phải. Vì dù nồng độ canxi trong nước tiểu cao, nhưng cũng ít khi kết sỏi do có một số yếu tố ức chế kết tinh canxi.
Theo nghiên cứu, những người uống vitamin C liều cao có nguy cơ bị sỏi thận cao gấp nhiều lần so với người khác. Lý do là dùng nhiều vitamin C thì thải ra lượng lớn oxalat trong nước tiểu, và oxalat canxi kết tinh thành sỏi. Do đó, nên dùng vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được dùng tùy tiện, không nên uống nhiều và dùng liều cao dài ngày.
Người mắc bệnh sỏi thận nếu không điều trị kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm, thầm lặng vì viên sỏi sẽ to lên và cản trở đường bài tiết nước tiểu, làm cho chức năng thận hư hại dần. Do vậy, khi có những triệu chứng như trên thì nên đi khám ngay.
Hơn một nửa số người đã từng bị sỏi thận sẽ tái phát, nên cách tốt nhất là thay đổi cách sống, đặc biệt là khẩu phần ăn và thói quen tập thể dục. Ngoài ra, nếu đã bị sỏi canxi, có thể cần phải giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalate, canxi, như các loại quả hạnh nhân, sôcôla, chè, rau chân vịt, các loại quả mọng như dâu tây. Ăn kiêng với chế độ ăn ít chất đạm cũng làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Triệu chứng của sỏi thận rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là đau thắt lưng âm ỉ và thường nặng lên do một số yếu tố, ví dụ như sỏi di chuyển gây nên cơn đau quặn thận.
Cơn đau quặn thận này có hai dạng: một dạng điển hình và một dạng không điển hình. Nếu dạng điển hình thì đau xuất phát từ vùng hông tức vùng thắt lưng và lan về phía dưới cơ quan sinh dục, thậm chí lan tới mặt trong của đùi, và kèm theo có thể đi tiểu ra máu hoặc không. Những triệu chứng không điển hình là đau có thể lan ra vùng thượng vị, và có một số người nhầm với bệnh dạ dày nếu không khám lâm sàng để xác định.