Vì sao nên ăn canh cua rau đay hàng ngày

Vì sao bạn nên thêm canh cua rau đay vào thực đơn hàng ngày?

Công dụng của rau đay

Rau đay có vị ngọt, chứa nhiều muối khoáng và vitamin, tính hàn, không độc. Theo các nhà nghiên cứu, rau đay có nhiều thành phần dinh dưỡng quý giá: sắt, kali, canxi, photpho, axit oxalic, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin A. Nhờ đó, loại rau ngọt mát này có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Giúp nhuận tràng, trị táo bón: Chất nhớt trong rau đay là một tổ hợp sinh học có tác dụng kích thích ruột vận động, đồng thời làm nhờn phân, giúp đi ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, trong rau đay có nhiều chất polysaccharid nên sẽ làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân.

cay cua rau day suckhoenhi.vn

Canh cua rau đay

Tác dụng thông tiểu: Do có hoạt chất vận động tim mạch nên rau đay có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài hơn. Ngoài ra, nó giúp kháng viêm, giải viêm nhiễm đường tiết niệu.Thanh nhiệt giải độc: Rau đay có nhiều nước, nhiều đường và chất nhầy nên có tác dụng giải nhiệt. Hơn nữa, nhờ tính hàn, rau đay có tác dụng làm mát, tiêu khát, giải nhiệt, chữa say nắng, giúp hóa giải hiện tượng nóng trong.

Thực phẩm lợi sữa: Mẹ sau sinh ăn rau đay sẽ giúp tăng thể tích sữa, sữa về nhiều hơn.

Trị rắn cắn: Theo y học dân gian, rau đay được xem là phương thuốc sơ cứu vết thương rắn cắn hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chỉ dùng phương pháp này trong trường hợp khẩn cấp khi không có điều kiện đi viện kịp thời.

Tốt cho tim mạch: Nhờ có nhiều olitorisid chứa hoạt tính trợ tim cao, tăng sức co cơ tim và giảm nhịp tim gần giống như hoạt tính sinh học của strophantin, rau đay được xem là loại thực phẩm rất tốt cho tim mạch.

Tốt cho phụ nữ cho con bú: Rau đay là một loại rau nhiều sắt nhất trong các loại rau. Vì vậy, bà mẹ cho con bú nên bổ sung rau đay vào bữa ăn hàng ngày.

Tốt cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm: Là thực phẩm giàu canxi, rau đay là món ăn dặm lý tưởng cho trẻ, giúp bổ sung canxi, phát triển hệ xương và răng.

Công dụng của cua

Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam do viện Dược liệu (bộ Y tế) ấn hành, trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 4,7mg% Fe; 430mg% P; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin...

Theo y học cổ truyền, cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục.

Ngoài ra, y học hiện đại cũng xác nhận trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.

Tuy nhiên, có một số đối tượng không nên ăn cua đồng vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như người đau ốm mới khỏe, người bị tiêu chảy, người bị bệnh gút.

Người huyết áp cao, bệnh tim mạch cũng nên hạn chế ăn cua đồng. Theo y học cổ truyền, do cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng nên đông y khuyên phụ nữ có thai ở những tháng đầu tránh ăn cua đồng.

Cách làm món canh cua rau đay thơm ngon và bổ dưỡng

Nguyên liệu:

Nguyên liệu cho 4 người ăn của món canh cua rau đay như sau

–  0,5 kg cua đồng

–   1 mớ rau đay

–   1 mớ mùng tơi

–   1 quả mướp

–   Nước mắm, mì chính, bột canh

Thực hiện:

– Cua đồng sau khi mua về, ngâm nước 1h đồng hồ cho ra sạch hết đất, cát bám theo. Chắt sạch nước ngâm, rồi sóc nhiều lần, tiếp tục cho nước và chắt nước bẩn đi. Làm như vậy từ 3-4 lần cho đến khi nước cua trong.

– Bạn cầm từng con cua tách riêng phần mai cua và thân ra, ở phần bụng cua có yếm bạn nên bỏ đi, vì nó khá rắn và không có thịt, gây khó khăn khi giã và xay. Phần mai cua có gạch, dùng tăm khêu gạch đó để riêng ra 1 chiếc bát con. Phần thân cho vào cối hoặc máy xay để xay nhiễn. Bạn càng giã nhỏ hoặc xay nhuyễn thì nước canh càng ngon.

–  Sau khi xay nhuyễn, bạn cho phần thịt cua đã xay vào 1 chiếc tô, chế nước và dùng tay bóp nát và khuấy cho đến khi thịt cua tan hết ra nước. Đổ nước thịt cua đó qua ray để lọc lại xác. ( lượng nước lọc tùy thuộc vào lượng canh ăn của gia đình).

–  Rau đay, mùng tơi đem nhặt lấy lá non rửa và ngâm muối. Sau đó vớt ra để ráo, và thái nhỏ. Mướp bỏ vỏ, bổ dọc và thái miếng chéo, dày 1cm.

– Khi có nước thịt cua đã lọc, bạn cho phần gạch đã khêu vào xong, mêm 1 chút bột canh vào nồi.

– Khi nước cua sôi, dùng đũa hoặc thìa gạt khẽ phần gạch nổi lên sang 1 bên và cho mướp vào trước. Đợi khi nước sôi trở lại cho hôn hợp rau đay và mùng tơi vào. Sau khi cho rau, đợi nước canh sôi trở lại trong 1 phút thì tắt bếp.

– Lúc này, bạn có thể cho mì chính và nước mắm vào món canh sao cho vừa khẩu vị của gia đình.

Lưu ý khi nấu món canh cua rau đay

– Với món canh cua rau đay, khi đặt nồi canh lên bếp bạn nên chú ý để nước vừa sôi là mở vung cho mướp và rau vào ngay, không nên tranh thủ làm việc khác để canh trào.

Nếu như vậy, vừa mất phần thịt cua giàu dinh dưỡng, mà canh lại mất ngọt, thêm vào đó là bẩn bếp và có mùi khét.

– Nên cho nước mắm sau, khi tắt bếp, không nên cho trước lúc nấu, làm như thế sẽ khiến nước mắm bay mùi, canh sẽ không còn thơm. Mỳ chính cũng vậy, nếu ở nhiệt độ 100 độ C sẽ biến thành chất độc, không tốt cho cơ thể.

– Không nên nấu quá nhiều rau sẽ làm món canh bị nồng, ngang, khó ăn.

Bình luận của bạn