Bóc mẽ chiêu mạo danh hàng thời trang xuất khẩu
Hàng thời trang xuất khẩu chuẩn thường không có số lượng nhiều và không có đủ size nên hầu hết sản phẩm bán trên thị trường đều là hàng kém chất lượng.
Với nhu cầu sở hữu những sản phẩm thời trang hàng hiệu, chất lượng mà giá chỉ 1/10 so với mua tại cửa hàng chính hãng nên hàng xuất khẩu lâu nay được người dân Sài Gòn ưa chuộng. Tuy nhiên, do nhu cầu thì nhiều nhưng lượng hàng xuất khẩu xịn thì ít nên đa phần các nơi đã nhái theo các nhãn hiệu nổi tiếng để cung cấp ra thị trường. Nếu không phải là dân trong nghề thì người tiêu dùng rất dễ bị mua nhầm.
Trước đây ở TP HCM, nói đến hàng xuất khẩu, người ta chỉ nghĩ đến chợ Nga, Sài Gòn Square 1, Sài Gòn Square 2, Taka Plaza, thì nay có thêm các trung tâm khác như Lucky Plaza, Square Hoàng Thành… Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trung tâm khác như Taka Plaza 2 ở đường Phạm Ngọc Thạch và đường Hai Bà Trưng (quận 3) hay nhiều cửa hàng nằm khắp các tuyến đường, con hẻm ở TP HCM.
Tại cửa hàng Q, lầu 1 Taka Plaza 2 (Phạm Ngọc Thạch, quận 3), chúng tôi trao đổi trực tiếp với chị Q, chủ cửa hàng, chị khẳng định: “Tất cả hàng ở đây là hàng xuất khẩu đúng chuẩn. Một chiếc váy nữ hiệu Mango, H&M, Zara… giá phải 330.000-380.000 đồng. Nhưng nếu hàng cao cấp hơn như Express, BCBG, WareHouse, GAP, Laundry, The Limeted… thì giá phải hơn 380.000-480.0000 đồng”. Hỏi về nguồn gốc hàng, chị Q cho biết lấy từ các đầu mối chuyên tuồn hàng mẫu mới nhất từ các xưởng gia công, xưởng may xuất khẩu ra nên giá cao.
Đến một cửa hàng đồ xuất khẩu ở đường Cao Thắng (quận 3) theo lời giới thiệu của bạn bè, hầu hết các sản phẩm ở đây đều có giá từ 350.000 -500.000 đồng tùy theo mẫu. Chị chủ cho biết đây là hàng đúng xuất nên giá cao, không phải hàng lên, hàng nhái. Tuy nhiên, đem so lại với các mẫu ở Taka Plaza thì không khác gì.
Tuần rồi, tình cờ gặp mấy người bạn đi ăn trưa, Tuyền (nhân viên văn phòng ở quận 3) khoe chiếc áo đầm hiệu GAP mới mua với giá chỉ hơn 300.000 đồng, nếu mua ở các cửa hàng chính hãng giá phải lên tới bạc triệu. Chưa kịp mừng vì mua được giá hời, Hằng - một người bạn đi chung - khẳng định cũng vừa mua chiếc váy đầm y như vậy cách đây 2 tuần chỉ hơn 200.000 đồng ở một cửa hàng tận Thủ Đức.
Lý giải về tình trạng loạn giá này, chị Thùy Linh, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), cho biết hàng xuất khẩu có nhiều dạng, dạng hàng tuồn ra, hàng tồn, hàng lên, hàng nhái… chính vì vậy mà giá nào cũng có.
“Nếu đúng hàng xuất khẩu là hàng được “ăn cắp” nên giá cao, còn hàng tồn kho giá rẻ hơn. Nếu hàng “lên”, hàng nối chuyền mà chất lượng cao thì giá cũng không thấp, riêng hàng nhái thì giá rất bèo và chất lượng cũng kém” - chị Linh giải thích.
Trong vai một người đi tìm nguồn hàng xuất khẩu để về mở shop thời trang, chúng tôi đã hé mở được cánh cửa sự thật về nguồn gốc thật của thế giới hàng xuất khẩu. Tại cửa hàng được giới thiệu là chuyên quần áo xuất khẩu trên đường Lê Lợi, cổng sau của Trung tâm thương mại Taka Plaza 1, chị Hoa giới thiệu các mẫu mới nhất cho chúng tôi xem và cho biết ở đây chỉ là hàng mẫu, cần mẫu nào đặt hàng vài ngày có hàng sẽ giao.
Chúng tôi thắc mắc tại sao hàng xuất khẩu lại có số lượng nhiều như vậy, chị Hoa giải thích: “Em bán nên chị nói thật. Đây là “hàng lên” do các xưởng ăn cắp mẫu, vải rồi chào hàng, nếu mình đồng ý họ “lên” gần giống hàng xuất khẩu. Nhưng dạng hàng này không qua khâu kiểm duyệt, đóng mạc, đính giá giống như hàng xuất khẩu chuẩn được”.
Tiếp tục đi vào khu vực đường Lê Minh Xuân, gần chợ Tân Bình, chúng tôi được người bán chỉ ra hai đống quần áo khác nhau, một loại là hàng xuất khẩu châu Âu, mỗi mẫu chỉ có vài chiếc, không đủ size, giá bán chỉ bằng 2/3 hàng công ty. Đống còn lại là quần áo có xếp ngay ngắn theo size, theo màu. Người bán nói đây là hàng công ty may lên để bán ăn theo hàng xuất khẩu, giá cao hơn một chút so hàng xuất đúng. Người bán còn chỉ chúng tôi muốn lấy nhãn của hãng nào họ sẽ cho kèm theo, vô số các nhãn hiệu nổi tiếng như: H&M, Forever21, Mango… có in sẵn giá bán là 19,99 USD.
Dân trong nghề cho biết hầu hết các cửa hàng bán đồ xuất khẩu trên mạng đều có cùng một mẫu hàng, có cả người mẫu mặc sẵn. Sản phẩm dạng này được gọi là hàng nối chuyền, tức hàng còn lại của các cơ sở sau khi gia công hàng xuất khẩu thật cho các cửa hàng thời trang. Còn hàng nhái là hàng giả cả vải, nhãn hiệu nên tem, mạc không đồng bộ, chất lượng kém, chủ yếu là vải sô, vải Trung Quốc được may nhái theo các mẫu áo của thương hiệu nổi tiếng.
Bà Lê Thị Hạnh, một người từng làm bộ phẩn kiểm hàng cho một công ty may gia công ở huyện Hóc Môn, cho biết các nhãn hiệu bình dân được giả nhiều nhất là Mago, Forever21, H&M...
Trong khi đó, chị Hồng, trưởng Phòng kế hoạch một công ty chuyên may gia công hàng xuất đi các nước, ở quận Thủ Đức, thì khẳng định đa số các nhãn hiệu lớn như BCBG, Express, Guess, LV… ngay từ khi ký hợp đồng gia công hàng, họ đã thoả thuận là sản phẩm của họ còn tồn, hàng lỗi, dư ra thì đơn vị gia công phải huỷ mạc, tem hoặc chỉ được xuất sang một nước thứ 3 chứ không bán ra thị trường. Nếu họ phát hiện thì sẽ kiện.
Đó là lý do mà chị Hồng khẳng định, nếu các nhãn hiệu cao cấp nổi tiếng bán bên ngoài nhiều là hàng nhái, hàng lên…
Theo Người Lao động