Cây ‘tỷ đô’ ở Tây nguyên
Từ nhiều năm nay, cà phê, chè, cao su... là những loại cây thoát nghèo và làm giàu cho nhiều người dân Tây nguyên. Tuy nhiên, hiện nay trong số hơn 450.000ha cà phê của khu vực có khoảng 20% số cây già cỗi, nhiều loại sản phẩm đầu ra không ổn định.
Trong khi đó, cây mắc ca (ảnh) được xem là loại cây có tiềm năng mang lại thu nhập “tỷ đô”, rất có lợi thế ở vùng Tây nguyên nhưng lại chưa có quy hoạch phát triển và quan tâm đúng mức.
Nhiều tiềm năng, cần cú hích
Mắc ca được phong là “hoàng hậu của các loại hạt khô”, một trong những cây trồng có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, dùng làm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm cao cấp. Được nhập về trồng ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, cây mắc ca đang dần chứng tỏ lợi thế vượt trội và được trồng bổ sung tiến tới thay thế cây cà phê truyền thống ở Tây nguyên.
Theo báo cáo thống kê gần đây, nhu cầu cây mắc ca trên thế giới cao gấp 4 lần tổng sản lượng, bởi là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất hiện nay. Tại Việt Nam sau hơn 20 năm du nhập và 10 năm trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ để theo dõi sự phát triển của cây mắc ca ở các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, một số tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An và toàn bộ Tây nguyên. Kết quả cho thấy ở Tây nguyên cây mắc ca được trồng từ giống chuẩn, sinh trưởng tốt, cho ra hạt đúng kỳ,
sản lượng và chất lượng hạt ở mức cao.
Do đó, Tây nguyên là vùng phù hợp nhất để trồng mắc ca, còn Tây Bắc và Đông Bắc cũng có thể gây trồng mắc ca nhưng phải tránh những nơi thường xuyên bị gió Lào, có sương muối và dễ bị ảnh hưởng của bão, mưa phùn vụ xuân. Tuy nhiên, tính đến nay diện tích trồng mắc ca ở Tây nguyên còn tương đối hạn chế: Kon Tum trồng được 50ha, Gia Lai 80ha, Đắk Lắk 500ha, Đắk Nông 600ha và Lâm Đồng 400ha.
Mắc ca đang mở ra triển vọng làm giàu cho Tây nguyên, giúp phá thế độc canh bất lợi của cà phê, trong khi về dinh dưỡng cây mắc ca lại dư sức cạnh tranh với ca cao và nhiều loại quả cho hạt khác. Hiện nay, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích nông dân và DN đầu tư như: dự án trồng mắc ca từ 50ha trở lên được ngân sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; xây dựng cơ sở sản xuất giống mắc ca quy
mô 500.000 cây giống/năm trở lên được hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, người nông dân và các nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mắc ca, do chưa hiểu hết giá trị kinh tế của loại cây này và chưa đủ nguồn lực để thực hiện, vì với nguồn vốn thấp sẽ khó tiếp cận và mở rộng vườn cây mắc ca. Thêm vào đó, cây mắc ca lại chưa có quy hoạch phát triển chính thức ở vùng Tây nguyên.
Đồng thời, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, do các DN Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường mặc dù thị trường thế giới có nhu cầu tiêu thụ mắc ca cao. Cùng với đó, sự hạn chế của kỹ thuật bảo quản, chế biến mắc ca khiến chất lượng đầu ra giảm sút.
Để phát triển cây mắc ca thành một cây nông sản chủ lực cần có quy hoạch rõ ràng về vùng trồng cây mắc ca, bên cạnh các yêu cầu về nguồn giống chất lượng cao và tư vấn kỹ thuật trồng - thu hái - chế biến. Để cây mang lại hiệu quả thực sự, cần huy động nguồn vốn ưu đãi cho vay trung và dài hạn, bởi sau 4 năm cây mới cho thu hoạch và thời gian đầu triển khai trồng cần đầu tư lớn về giống cây trồng, phân bón hóa chất, hệ thống tưới, trong khi bà con nông dân lại không thể thu xếp được nguồn vốn lớn trong thời gian dài như vậy.
Vì vậy, một chính sách hỗ trợ, bảo đảm về vốn, tín dụng ưu đãi và bảo hiểm nông nghiệp mới có thể khuyến khích người nông dân chuyển đổi cây trồng sang hướng mới hiệu quả hơn, thay thế hoặc trồng xen canh cây cà phê.
Những kiến nghị
LienVietPostBank đề xuất giải pháp 10.000 tỷ đồng cho vay hộ nông dân Tây nguyên phát triển cây mắc ca. Ngân hàng cũng sẽ trực tiếp đầu tư 5.000ha mắc ca thông qua CTCP Tập đoàn Liên Việt. Đây cũng là đầu mối thực hiện quy trình khép kín: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Cụ thể, giá bán hạt mắc ca Việt Nam sẽ tương đương giá bán mắc ca trên thế giới 60.000 đồng/kg, nhưng lợi thế là trồng có quy hoạch, công nghiệp hóa cây mắc ca. Chẳng hạn trồng thuần (mật độ trồng 400 cây/ha) và trồng xen canh (mật độ trồng 250 cây/ha), tới năm thứ 5 khi cây bắt đầu cho thu hoạch là doanh thu đã đủ để bù đắp chi phí phát sinh.Hiện nay giá bán của hạt mắc ca trên thị trường Việt Nam có thể từ 150.000-300.000 đồng/kg, phụ thuộc vào mức độ chế biến của sản phẩm. Tuy nhiên, theo quan điểm của LienVietPostBank, trong trung và dài hạn khi cây mắc ca được trồng ở quy mô lớn giá bán sẽ tiến sát mặt bằng giá thế giới.
Vì hộ gia đình có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với DN, nên hộ gia đình hoàn vốn đầu tư được sớm hơn (trong 6 năm) so với DN (trong 7 năm). Từ năm thứ 8 trở đi, doanh thu ổn định ở mức cao, đảm bảo cuộc sống người trồng.
Để dự án đầu tư vào cây mắc ca thành công, hoạch định của LienVietPostBank là ưu đãi cho các hộ gia đình và DN vay tín dụng trung, dài hạn trong 7 năm và ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu. Trong 3 năm tiếp theo khi mắc ca bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, các hộ gia đình và DN sẽ bắt đầu trả dần cả gốc và lãi. Cụ thể, lãi vay được ân hạn sẽ nhập vào dư nợ gốc và gốc vay được trả theo tỷ lệ tăng dần từ năm thứ 5 đến năm thứ 7.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại khác đồng hành cùng với LienVietPostBank và nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cho nông dân thông qua việc xây dựng gói cấp tín dụng đặc thù với lãi suất thấp để phục vụ việc cơ cấu giống cây trồng nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Phía Chính phủ hỗ trợ pháp lý về quyền sử dụng đất cho nông dân cũng như các chủ trương, chính sách, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư vào cây mắc ca. Bộ NN-PTNT làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các địa phương có tiềm năng xây dựng quy hoạch chiến lược và chương trình hành động quốc gia cho cây mắc ca.
Bộ Công Thương ban hành chính sách khuyến khích DN đầu tư vốn, công nghệ sản xuất và chế biến cho cây mắc ca; xây dựng chính sách quy định tiêu chí chọn lựa đầu mối thu mua, tích trữ mắc ca để bình ổn giá thị trường: tích trữ khi sản lượng nhiều và bán ra khi sản lượng thấp.
VnCharm
Nguồn : Xã luận