Làng nhiều tỷ phú nhờ nghề "lột xác" xe
Thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) trước đây nghèo nhất xã, vụ nào cũng mất mùa vì ngập úng. Thế nhưng khoảng chục năm nay, ở làng quê này, nhiều hộ dân đã có tài sản trị giá cả tỷ đồng.
Nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc
Cách đây khoảng hai chục năm, thôn Thuyền được gọi là “làng đồng nát”. Với đôi quang gánh hay chiếc xe đạp thồ, có khi thêm thùng kẹo kéo bên cạnh, người dân trong thôn đi khắp tỉnh và một số tỉnh lân cận, thậm chí sang cả Trung Quốc để thu mua phế liệu. Về sau, một số nhà có vốn lớn đứng ra làm đại lý, mua lại của những người đi thu gom nhỏ lẻ.
Người lao động phân loại phụ tùng sau khi “mổ xe”. |
Những năm đó ít cạnh tranh, chưa nhiều người làm nghề này nên người dân thôn Thuyền cũng "đủ ăn, đủ mặc". Dần dần, nguồn hàng khan hiếm, họ bắt đầu đi tìm những món hàng lớn, giá trị hơn. “Làng mổ xe” ra đời từ đó và dần trở nên có tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Về thôn Thuyền, cơ man là sắt vụn, nơi đây như một “nghĩa địa” khổng lồ của các loại xe cơ giới lớn nhỏ. Từ đầu làng đã ngổn ngang phụ tùng ô tô, máy xúc, máy ủi, những chiếc bánh xe to tướng chất đống hai bên đường, hàng chục bãi dài đầy nhíp, máy, trục hoen rỉ đã được phân loại sau khi tháo dỡ. Xen lẫn trong đó là nhiều chiếc xe ô tô đã “hết đát” của các thương hiệu như: Toyota, Kia, Samco… có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đâu đâu cũng roèn roẹt tiếng máy cắt kim loại, lấp loáng đèn khò cùng những con người lấm lem dầu máy. Trao đổi với ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì được biết, thôn Thuyền được gọi là thôn “mổ xe” bởi người dân chuyên đi thu mua những chiếc ô tô, tàu thủy, máy ủi, cần cẩu, máy xúc... đã hỏng, cũ nát về phá dỡ ra lấy phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được rồi bán cho các cơ sở trong nước, những thứ không dùng được thì đem bán phế liệu làm sản phẩm tái chế.
Đứng giữa bãi chứa phụ tùng xe rộng hàng nghìn m2, ông Nguyễn Văn Phong, chủ một cơ sở “mổ xe” có cỡ trong thôn cho biết: “Chẳng có cái xe nào hỏng hoàn toàn, kể cả những chiếc xe phải cẩu, kéo về bãi, thế nào cũng có những phần vẫn còn hoạt động được, có thể lắp vào những chiếc xe khác. Một xe sau khi phá dỡ hầu như không bỏ đi thứ gì, từ cái ốc vít đến vỏ ghế rách”. Thôn hiện có 270 hộ, trong đó khoảng 60 hộ làm nghề “mổ xe” tạo việc làm cho hơn 200 lao động.
Để phục vụ cho công việc, mỗi hộ đều có bãi để chứa phụ tùng, bãi nhỏ thì vài trăm m2, lớn thì hàng nghìn m2, mỗi bãi phế liệu ấy là một tài sản khổng lồ với giá trị từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Nhuận, Trưởng thôn Thuyền cho hay: “Đã 10 năm nay thôn Thuyền không còn hộ nghèo, đặc biệt là số hộ có tài sản hàng tỷ đồng không phải là hiếm. Một số gia đình đã xây được biệt thự, sắm xe hơi bạc tỷ, còn xe hơi loại từ 200 đến 500 triệu đồng thì có vài chục chiếc”.
Gian nan bám nghề
Không còn phải đi từng ngõ ngách để dò mua phế liệu như trước, giờ đây, các chủ lò “mổ xe” trong thôn có thể đàng hoàng đi xe hơi đến các hội trường lớn tham gia đấu giá những lô hàng thanh lý. Tuy nhiên, để đấu giá thành công một vụ cũng không đơn giản bởi sự cạnh tranh khốc liệt của không ít đối thủ. Ngoài có tiền còn cần có mối quan hệ để nắm bắt thông tin mới có thể “trúng giá”.
Không chỉ vậy, ông Hà Văn Bút, chủ một cơ sở mổ xe thôn Thuyền cho biết: “Chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng “khát vốn” vì có không ít vụ giá trị hàng thanh lý lên tới hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng, một hộ không thể “ôm” được. Lúc này, có khi cả chục chủ bãi trong thôn phải hùn vốn để đấu giá. Nếu thắng, lô hàng đó thường sẽ mang lại cho các chủ bãi nguồn hàng làm cả năm, lãi hàng trăm triệu đồng”.
Với lưng vốn dành dụm được từ làm nghề, một vài ông chủ cơ sở đang chuyển sang làm môi giới hoặc thu mua “xe chạy” (tức xe đang sử dụng) để bán lại. Nghề này không phải động tay, động chân như nghề “mổ xe” nhưng yêu cầu đội ngũ “chân rết” lớn để nắm thông tin ở đâu có người cần mua, bán. Ngoài ra, phải có vốn lớn gấp nhiều lần so với nghề “mổ xe” vì có những chiếc xe trị giá cả tỷ đồng.
Nhờ có nghề này mà thôn Thuyền hiếm người thất nghiệp, nhiều thanh niên học xong phổ thông đã kế nghiệp gia đình hoặc đi làm thuê cho các xưởng phá dỡ, thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, phụ nữ tham gia vào nghề này mỗi tháng cũng kiếm được đôi ba triệu đồng. Thợ lành nghề có thể từ 1 đến 2 ngày "giải quyết" xong một chiếc ô tô, nhưng nếu là “lính mới” phải mất cả tuần. Những lao động tại đây lúc nào chân tay cũng lấm lem dầu mỡ. Công việc cắt phá có tính chất độc hại, thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, máy cắt, mạt kim loại, khí gas, oxy, dầu mỡ... Còn vận chuyển, sắp xếp các phụ tùng thì nặng nhọc, có những phụ tùng như máy xe hay bộ khung khối lượng lớn.
Làm mãi cũng quen, thu nhập lại khá nên lao động yên tâm bám trụ. Hơn nữa, môi trường lao động giờ đây cũng bớt ô nhiễm hơn bởi không còn nhiều đồ phế thải. Trước đây, khi mổ xe, dầu nhớt còn thừa trong máy rơi vãi khắp nơi thì nay đều được thu gom để bán cho các cơ sở tái chế. Ghế rách, săm thủng… cũng đều có người thu mua lại.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, tiếng ồn… ở thôn Thuyền vẫn chưa được xử lý triệt để. Dù đã được chính quyền địa phương bố trí một khu đất riêng ở đầu làng để làm xưởng và bãi chứa phế liệu nhưng diện tích đó vẫn quá nhỏ, vì vậy vẫn còn hàng chục cơ sở “mổ xe” xen lẫn trong khu dân cư.
Để khắc phục được những “mặt trái” của nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động, thôn rất mong được ngành chức năng xét công nhận thôn Thuyền là làng nghề. Bởi khi đó, thôn sẽ được tạo điều kiện về mặt bằng làm bến bãi, điểm tập kết; được quan tâm hơn về hệ thống xử lý rác thải, nước thải, hạn chế tác động xấu đến môi trường cũng như hưởng chính sách hỗ trợ về vốn.
Nguồn: Infonet.vn