Thủ tướng yêu cầu hạn chế chi tiêu trong năm 2016
Thủ tướng vừa ký ban hành Chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm tới đạt trên 6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2% được đề ra năm 2015.
Trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, xây dựng dự toán được đặt là nhiệm vụ trọng tâm. Đối với dự toán thu, mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí đạt khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) tăng trên 15% so với ước thực hiện năm 2015. Dự toán thu từ xuất nhập khẩu tăng khoảng 6 - 8%.
Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 đạt trên 6,5%.
Các khoản chi cũng được yêu cầu phải giữ hợp và đúng mục đích, ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bố trí chi ngân sách cho một số lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết...
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong, ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác. Dự toán chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với năm 2015.
Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Trong bối cảnh hội nhập, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không để quá phụ thuộc vào một số ít thị trường, tích cực tham gia đàm phán sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác.
Thủ tướng đặt yêu cầu cho các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ; tăng dư nợ tín dụng phù hợp với nâng cao chất lượng tín dụng; chủ đông thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, khắc phục tình trạng đila hóa, vàng hoa, tăng dự trữ ngoại hối.
Theo vnexpress