Tưới vườn bằng... điện thoại
Đi du lịch hay công tác xa vẫn có thể quán xuyến được đồng áng, một người làm việc bằng nhiều người mà hiệu quả, năng suất lại vượt trội. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ thay cách làm thủ công, nhiều nông dân ở Chư Sê (Gia Lai) đã thật sự “lên đời”!
Ứng dụng công nghệ hiệu quả cao.
Đi Mỹ vẫn tưới được vườn
Cách đây 4 năm, báo Tiền Phong đã đăng bài “Lận đận sáng chế nhà nông”, viết về nông dân Nguyễn Thái Toản (thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), sáng tạo ra bộ ứng dụng công tắc điều khiển điện đóng - mở nguồn qua điện thoại. Do mỗi lần tưới nước cho vườn xoài phải chạy bật công tắc cả đi lẫn về hơn 1km rất vất vả, nên anh Toản đã mày mò, sáng chế bộ công tắc này với chiếc điện thoại cùi.
Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần nhá máy vào số điện thoại lắp đặt cùng hệ thống cảm biến là có thể mở, tắt công tắc điện tùy ý. Chưa học hết lớp 6 nhưng sáng kiến của Toản làm nhiều người nể phục! Tuy nhiên, trong khi sản phẩm điều khiển bằng cái alô “made in Thái Toản” vẫn chưa thấy đâu, thì ở Gia Lai nhiều nông dân đã biết đưa ứng dụng tương tự vào sản xuất.
Tại huyện Chư Sê, nhiều nông dân đã lắp đặt bộ điều khiển công tắc thông qua điện thoại từ xa. Anh Nguyễn Duy Cơ (ở thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê), chia sẻ: “Tôi mới lắp hệ thống trong mùa này thôi, đã thấy hiệu quả còn hơn mong đợi. Tôi làm thầu công trình, hay đi xa, còn vợ thì làm công chức của xã nên việc tưới nước, chăm sóc 1.200 cây hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với bộ điều khiển thông minh này, tôi còn lắp thêm hệ thống tưới nhỏ giọt khắp vườn, cho dù đi Mỹ tôi vẫn có thể tưới tiêu ở nhà”.
Theo anh Cơ, bộ công tắc này có tới 9 cổng, gồm: công tắc máy bơm nước, điều khiển tivi, điện, máy camera… nhưng giá chỉ có 1,5 triệu đồng. Khi có điều kiện đầy đủ thì anh sẽ lắp các cổng còn lại để thuận tiện trong sinh hoạt và công việc gia đình. Riêng chiếc điện thoại thì lợi ích rõ rệt, không chỉ để liên lạc mà còn dùng để tưới nước, lên mạng nắm thông tin về sản xuất nông nghiệp, thời tiết, thời sự rất dễ dàng.
Thấy cách làm hay, nông dân Nguyễn Phú Sau (thôn 3, xã Ia Pal) cũng lắp đặt để tưới tiêu. “Giờ bấm điện thoại thì nó tắt hộ mình, không phải chạy về nhà. Khi chưa lắp đặt điện thoại, mỗi lần bật công tắc tưới tiêu phải chạy cho nhanh vì sợ nước chảy tràn ra ngoài, có khi máy bơm không lên nước vẫn phải chạy về, mất công lắm”, ông Sau nói.
Công nghệ Israel về tận thôn, xã
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, hiện nay trên địa bàn đã có nhiều hộ nông dân biết ứng dụng khoa học công nghệ, hiệu quả rất cao. Cụ thể, việc dùng chiếc điện thoại kết hợp với hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel đã mở ra cách làm mới, ít tốn công sức, giảm chi phí đồng thời tăng năng suất, sản lượng.
Theo ông Hợp, cách đây 2 năm, Trạm Khuyến nông của huyện đã triển khai mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt rất hiệu quả, được bà con học làm theo. Tuy nhiên, nhược điểm mô hình này là chi phí hơi cao, từ 30-40 triệu đồng/ ha.
Anh Nguyễn Duy Cơ cho biết, từ khi anh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bộ điều khiển bằng điện thoại thì lợi đến 90% công, tiền điện giảm 60%, phân bón giảm 50% và lượng nước tưới giảm 7-8 lần. “Trước đây, vườn hồ tiêu tôi tưới mất 3 ngày giờ chỉ còn 3 giờ mà không phải mất công cầm ống tưới. Do nước, phân được ngấm thẳng vào đất nên tiết kiệm rất nhiều, tránh thất thoát. Vì nước ngày càng khan hiếm nên đây là mô hình phù hợp. Trước đây, phải gọi nhiều công tưới và bón phân, giờ chỉ một người là đủ làm từ A đến Z”.
Anh Lê Hùng Huấn (thôn 8, xã Ia Blang) chia sẻ : “Tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đã 3 năm rồi, cây phát triển tốt giảm được nhiều chi phí. Năm đầu, thu hoạch bói mỗi gốc tiêu đạt trên 3 kg, cây ít dịch bệnh hơn nên gần 5.000 cây tiêu của tôi phát triển tốt”.