Vải thiều Thanh Hà trước cơ hội… xuất ngoại

Gần trăm hộ dân trồng vải thiều ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đang “hồi hộp” chăm sóc diện tích vải thiều thuộc Dự án xuất khẩu vải quả sang Mỹ.

Dự án mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân, nhưng cũng tạo rất nhiều áp lực bởi yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Hương, một hộ dân thuộc Dự án, cho biết: Thanh Sơn là “quê tổ” của vải thiều. Xưa kia, vải thiều Thanh Sơn là loại quả nổi danh quý hiếm, chuyên dùng để cung tiến lên các bậc vua chúa và quan lại, ngay cả người trồng vải cũng không mấy khi được thưởng thức. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, cây vải thiều đã phát triển ồ ạt ở nhiều vùng đất nước. Mùa vải chín, các trà vải chín rộ chỉ trong vòng một tháng khiến người dân rất khó bảo quản và kịp tiêu thụ. Sản lượng vải quả chỉ tính riêng ở Hải Dương và Bắc Giang đã lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi vụ khiến “cung” vượt “cầu”, quả vải rớt giá. Nhiều năm, người trồng vải “méo mặt” bởi thu nhập từ cây vải không bằng cấy lúa, thậm chí lỗ vốn. Dự án vải thiều xuất Mỹ khiến người dân Thanh Hà khấp khởi hy vọng vào một thị trường ổn định và bền vững.

alt

Vải thiều Thanh Hà

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Ngô Đức Vính cho biết: Thanh Hà hiện có gần bốn nghìn ha trồng vải, sản lượng vải năm nay ước đạt 25 nghìn tấn. Việc tiêu thụ sản lượng vải quả lớn như vậy trong thời gian ngắn khiến người trồng vải gặp rất nhiều khó khăn do tư thương ép giá và do thị trường tiêu thụ không ổn định. Để có vải quả xuất sang Mỹ, yêu cầu trước tiên là diện tích trồng vải phải nằm trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tuyệt đối không được sử dụng năm loại hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng trên quả vải khi xuất khẩu sang Mỹ; quả vải không được có nấm sương mai, không thâm cuống; trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày phải bao gói trên cây; khi thu hoạch phải đóng hộp và mang chiếu xạ (giá chiếu xạ một kg vải quả khoảng 40 nghìn đồng).

“Vạn sự khởi đầu nan”, để quả vải thiều sang được đất Mỹ, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, huyện Thanh Hà đang tích cực chỉ đạo và hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không được vi phạm để xây dựng thương hiệu và uy tín. Huyện tiếp xúc với các doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu trái cây sang Mỹ để tạo điều kiện giúp nông dân xuất vải đúng thời điểm, bảo đảm chất lượng.

Cùng với vải thiều trong Dự án xuất khẩu đi Mỹ, những người trồng vải trong vùng VietGAP ở Hải Dương đang “khấp khởi” vui mừng, bởi mới đây Bộ Nông nghiệp Úc vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Úc đã chính thức mở cửa cho trái vải của Việt Nam vào thị trường nước này. Như vậy sau Mỹ, Úc là thị trường khó tính thứ hai chấp nhận nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam. Dự kiến trong tháng 5-2015, cơ quan chức năng của Úc và Mỹ sẽ đến Việt Nam kiểm tra và thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng những lô vải thiều đầu tiên trước khi nhập khẩu.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cho biết: Việc xuất khẩu vải thiều sang Mỹ và Úc nếu thành công sẽ thêm cơ hội đưa sản phẩm này đến với nhiều quốc gia khác trên thế giới, từng bước khắc phục tình trạng ùn ứ vải thiều khi xuất đi Trung Quốc do bị tư thương ép giá và mở rộng quảng bá thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng của hoa quả Việt Nam.

 

Nguồn: Nhân dân
Bình luận của bạn

Kết nối với chúng tôi