Vựa phật thủ đất Bắc.

Gần chục năm qua, xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có sự đổi thay rõ rệt, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát và ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ trồng cây phật thủ..

alt

Anh Tạ Hữu Đáng ở thôn 1 đã có 7 năm trồng cây phật thủ cho biết, gia đình anh trồng 2 mẫu (1 ha = 2,7 mẫu) gồm 400 gốc phật thủ. Sau 2 năm trồng, cây cho bói quả, từ năm tiếp theo sẽ cho quả quanh năm.

Thời điểm cây cho nhiều quả, quả to từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch. Những quả phật thủ có giá bán tại vườn từ 30.000 - 70.000 đồng tùy theo kích thước quả. Tính ra, mỗi sào cho lợi nhuận 60 triệu đồng/năm. Như vậy, với 2 mẫu phật thủ gia đình anh Đáng thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo anh Đáng, đất trồng phật thủ chỉ được khoảng 5 năm.

Vì thế, cứ hết mỗi chu kỳ theo vòng đời của cây, người dân xã Đắc Sở lại phải đi tìm thuê đất ở các xã xung quanh để tiếp tục trồng. Lựa đất cũng phải kén chọn, đó phải là loại đất pha cát, nếu là đất màu thì phải pha thêm cát, cây mới sống được. Ngoài trồng phật thủ, anh Đáng cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy sấy quả. Những quả đẹp được thương lái mua để tiêu thụ, quả xấu không bán được, bà con gom lại mang về lò sấy của anh Đáng để chế biến xuất sang Trung Quốc. Mỗi ngày anh sấy gần 1 tấn quả.

Không chỉ hợp chất đất, để có được những vườn phật thủ cho quả đẹp, nhiều "ngón", việc chăm sóc cũng yêu cầu người nông dân phải rất tỉ mỉ. Anh Nguyễn Quang Thiết, thôn Đông, một người có kinh nghiệm trồng phật thủ chia sẻ: “Với 1,2 mẫu phật thủ, hằng năm tôi bón phân theo định kỳ. Khi bón phải đều, nếu nhiều quá cây sẽ chết. 

Phật thủ ra hoa, kết trái quanh năm. Từ tháng giêng sau khi thu hoạch quả, cần vệ sinh vườn, bón phân cân đối để cây khỏe... Đây là cây thân gỗ nhưng lại mọc theo giàn, nên khi phun các loại thuốc trừ sâu bệnh phải phun bằng máy".

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết: “Được sự quan tâm của UBND huyện, Trạm Khuyến nông... đã  mở các lớp tập huấn, đào tạo cho bà con kỹ thuật trồng phật thủ theo hướng tập trung. Năm 2010, toàn xã mới chỉ có 20 ha phật thủ, đến nay đã phát triển lên 200 ha”.

Cũng theo ông Đính, với gần 80% hộ dân trong xã trồng phật thủ, ngoài kỹ thuật trồng thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng. Xã đã làm hồ sơ đăng ký công nhận thương hiệu "Phật thủ Đắc Sở". Đồng thời thành lập Hội SXKD phật thủ để các hộ dân có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau.

Hội cũng thường xuyên tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu và quảng bá phật thủ Đắc Sở. "Vì chu kỳ SX chỉ 5 năm nên hiện nay quỹ đất trồng phật thủ trong xã đều đã hết, xã khuyến khích bà con sang các xã lân cận để mở rộng diện tích. Đến nay bà con trong xã đã thuê hơn 100 ha đất vùng bãi của xã Yên Sở, Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai) và ở huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ để trồng loại cây này", ông Đính nói.

Theo báo Nông Nghiệp

Bình luận của bạn

Kết nối với chúng tôi