Xúc tiến thương mại quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 ước tính tăng thấp - ở mức 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu do ngành khai khoáng giảm sâu với mức giảm 9,6%. Trong các ngành công nghiệp, lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng khá - ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm 2013; đây là điều kiện để ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2014 với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, việc xuất khẩu nguyên liệu thô thời gian qua đã giảm đáng kể. Trong năm qua, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu là hàng hóa đã được chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hiện chỉ còn khoảng 20% hàng hóa thuộc diện xuất khẩu thô và 20% còn lại là hàng hóa xuất khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Những kết quả rất đáng ghi nhận này chứng tỏ Việt Nam đã thực hiện từng bước có hiệu quả việc chuyển dịch chất lượng hàng xuất khẩu theo hướng ngày càng tích cực hơn, thị trường được mở rộng hơn. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, chúng ta cũng đã mở rộng hơn sang các thị trường khác. Hiện nay tuy lượng hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường châu Phi và Mỹ Latin còn nhỏ nhưng tiềm năng và khả năng sẽ lớn trong tương lai.
Góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu nhiều năm qua với hơn 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2013, trong đó, Việt Nam trở thành nước thứ 2 xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ với doanh số hơn 8 tỷ USD, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Trần Quang Nghị, lợi thế trong năm 2014 và những năm tới, lợi thế của Việt Nam sẽ rất lớn nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, trọng tâm chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đầu tư cho sản xuất nguyên liệu. Tập đoàn luôn kỳ vọng nếu có TPP, với sự quản trị tốt, với sự đầu tư hợp lý và đầu tư chủ lực, chính xác thì chúng ta có thể bùng nổ kim ngạch xuất khẩu thậm chí đến 30-40 tỷ USD vì thị trường với thị phần vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Nghị cũng cho rằng, khối FDI có tốc độ đầu tư rất cao trong hai năm qua với tổng số tiền đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD, tập trung phần lớn vào sản xuất nguyên liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thiếu hụt cả tiềm lực tài chính, khả năng thu xếp vốn, liên kết với nhà sản xuất thiết bị. Điều này dẫn đến, các doanh nghiệp dệt may trong nước không tận dụng được những lợi thế do TPP mang lại. Vì vậy, Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm quy hoạch thực hiện nghiêm túc, phát triển bền vững và tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại. Đồng thời, nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Lĩnh vực thủy sản cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu với giá trị gia tăng cao cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm thời gian qua. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, để bảo đảm duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới, cần chú trọng đến các giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, trong đó đối với mặt hàng tôm, cần đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo quản lý và hướng dẫn chất lượng theo chuỗi từ tôm giống, thức ăn nuôi tôm đến sản phẩm chế biến xuất khẩu nhằm duy trì và cải thiện chất lượng tôm Việt Nam và giảm giá thành sản xuất. Thông tin dự án chung cư vincity hải phòng sắp ra mắt vincity hải phòng đang rất nóng dự án chung cư vincity hưng yên và căn hộ vincity hưng yên sắp ra mắt
Để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2014 - 2015, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 145,4 tỷ USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 154 tỷ USD, tăng 17,3%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tăng cường hoạt động thương mại biên giới; nâng cao hiệu quả của công tác dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới tới cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân