QUY TRÌNH 6 BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ MỞ MỘT DOANH NGHIỆP NHỎ
Bất kỳ doanh nghiệp thành công nào cũng đều được khai sinh từ một ý tưởng, nhưng mấu chốt là bạn phải biến ý tưởng đó thành hành động.
Giây phút ra quyết định thực thi ý tưởng chính là thời khắc mà nhiều người cảm thấy hoang mang tột độ và nhanh chóng bị rào cản trong tâm trí đánh bại. Cũng dễ hiểu nếu như bạn bị choáng váng bởi chẳng biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu để mở một doanh nghiệp. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua thời khắc mong manh này và bắt tay vào làm, bạn sẽ nhận thấy mọi việc thực ra dễ hơn bạn nghĩ nhiều.
Giống như việc chinh phục bất kỳ mục tiêu vĩ đại nào khác, nếu bạn bắt đầu bằng cách bóc tách khối lượng khổng lồ, thì bạn mới có thể xử lý toàn bộ các việc cần làm trong quá trình thai nghén đứa con tinh thần của mình. Dưới đây là sáu bước đơn giản giúp bạn định hình và xác định các chặng mình phải vượt qua trên con đường mở công ty nho nhỏ của chính mình:
1. VIẾT KẾ HOẠCH KINH DOANH DÀI MỘT TRANG
Chìa khóa cho một doanh nghiệp nhỏ thành công, đặc biệt trong giai đoạn phôi thai, chính là tránh phức tạp hóa vấn đề và giữ cho chi phí thấp. Chi phí ở đây không chỉ có nghĩa là tiền bạc mà bạn bỏ ra, mà còn là cả thời gian nữa.
Không ít chủ doanh nghiệp tương lai cố gắng vẽ ra một bản kế hoạch kinh doanh (business plan) hoành tráng, chi tiết, dài dằng dặc như trong sách giáo khoa vẫn dạy. Thực ra, bạn chỉ cần vậy nếu như bạn đang tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc nguồn hỗ trợ tài chính, và thậm chí nếu bạn đang tìm kiếm cả hai, thì tôi vẫn luôn khuyên nhủ các chủ doanh nghiệp nhỏ hãy bắt đầu bằng việc chạy thử những ý tưởng trước tiên, trước khi thực sự bỏ ra thật nhiều thời gian và tiền bạc.
Vì vậy, để bắt đầu, hãy lập ra một bản kế hoạch kinh doanh đơn giản và chỉ cần dài một trang, nó sẽ đem tới một cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp nhỏ mà bạn đang mở ra một cách toàn diện, ngắn gọn, súc tích. Bản kế hoạch kinh doanh này cần trả lời các câu hỏi sau:
Xác định tầm nhìn. Bạn mong đợi kết quả cuối cùng mình đạt được là gì?
Xác định sứ mệnh. Khác với tầm nhìn, sứ mệnh vạch ra các lý do giải thích cho sự tồn tại của công ty
Xác định mục tiêu. Bạn sẽ làm gì - mục tiêu của bạn là gì – điều gì sẽ giúp bạn hoàn thành sứ mệnh và tầm nhìn của mình?
Phác thảo các chiến lược cơ bản. Làm thế nào để bạn đạt được các mục tiêu mà mình vừa đề ra?
Viết một kế hoạch hành động (action plan) đơn giản. Gạch đầu dòng các hành động chi tiết hơn cần thiết để đạt được các mục tiêu đã nêu.
Là như vậy đấy. Bản kế hoạch kinh doanh này có thể dài hơn một trang, nhưng nó chắc chắn phải được tổ chức một cách rõ ràng hơn và ngắn gọn hơn so với bản kế hoạch kinh doanh đầy đủ - thứ mà bạn có thể phải dành ra vài tuần để viết.
2. XÁC ĐỊNH NGÂN SÁCH
Mặc dù tôi cực lực khuyên bạn rằng hãy giữ cho chi phí càng thấp càng tốt, nhưng bạn vẫn cần phải xác định một ngân sách để bắt tay vào khởi nghiệp, và xem xem khả năng chi của mình là như thế nào. Nếu bạn đang tự bỏ tiền túi ra để kinh doanh, đừng quá lạc quan mà hãy nhìn nhận một cách thực tế về các con số, và lường trước mọi khả năng sẽ xảy ra với ngân sách của mình. Tôi đã phát hiện ra rằng, để giúp bạn lên định mức chi tiêu (burn rate) một cách thực tế thì bạn nên tự tăng thêm 20% vào các khoản phụ phí.
“Burn rate” là lượng tiền bạn chi tiêu trong từng tháng. Đây là một con số quan trọng để bạn có thể xác định xem mình có thể tiếp tục kinh doanh trong bao lâu trước khi kiếm được lợi nhuận.
Bạn nên bắt tay mở một doanh nghiệp mà bạn dự đoán (một cách có cơ sở) là khả năng sinh lời sẽ đến trong vòng 30-90 ngày đầu tiên. Điều này là hoan toàn khả thi. Tuy nhiên bạn vẫn nên có vốn dự phòng ngân sách để công ty bạn có thể sống sót, nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng khó khăn hơn so với dự kiến.
3. ĐĂNG KÍ KINH DOANH
Bạn sẽ tiêu tốn không ít vào việc nộp hồ sơ, thủ tục giấy tờ để xin giấy phép kinh doanh. Thông thường, chi phí này sẽ dao động tùy thuộc vào từng địa phương hay tỉnh thành. Bạn sẽ cần giải trình lý do xin cấp phép hoạt động lên thành phố hoặc địa phương, nộp lệ phí thành lập doanh nghiệp, và còn nhiều thủ tục khác nữa. Hãy tìm hiểu một cách kỹ lưỡng trước để xác định xem địa phương nơi bạn sống yêu cầu các loại giấy tờ, phí kê khai nào trước khi bắt đầu.
Thông thường trong các giai đoạn "thử nghiệm" của doanh nghiệp nhỏ, tốt hơn là bạn nên đăng kí kinh doanh với tư cách là người sở hữu duy nhất, vì điều này đồng nghĩa với việc phải hoàn thành ít giấy tờ hơn và các chi phí trả trước cũng thấp hơn. Điều đó có thể giúp bạn tiết kiệm một lượng tiền mặt lớn trong giai đoạn xác định tính khả thi của doanh nghiệp. Hãy ý thức được rằng, việc là người chủ sở hữu duy nhất có thể đem tới cho cá nhân bạn một số rủi ro, nên bạn sẽ muốn cân đo đong đếm giữa lợi ích và rủi ro, và sau đó nói chuyện với một luật sư hoặc chuyên viên thuế để quyết định xem điều gì là sáng suốt hơn cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn.
Bạn có thể đệ trình giấy tờ thành lập cho doanh nghiệp bất cứ khi nào mà bạn đã chứng minh được rằng, trong 3-6 tháng đầu tiên của doanh nghiệp, bạn đã có một mô hình kinh doanh khả thi và bền vững.
4. KIỂM SOÁT DÒNG TIỀN
Dù bạn quyết định chọn loại hình kinh doanh nào, hãy tách bạch ngân sách dành cho kinh doanh khỏi tài khoản cá nhân. Bởi nếu không, bạn sẽ sớm tẩu hỏa nhập ma khi phải nộp các khoản thuế và khi tính toán các con số tài chính cho việc kinh doanh. Không khó để mở một tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp. Tất cả những gì bạn cần là điền đầy đủ giấy tờ, thông tin cấp phép cho chủ sở hữu duy nhất và một khoản tiền gửi ban đầu, để có thể mở tài khoản ở hầu hết các định chế tài chính.
5. XÂY DỰNG WEBSITE
Bất kể bạn mở một doanh nghiệp có văn phòng đàng hoàng hay chỉ là một cửa hàng online, thì bạn cũng vẫn cần một trang web. Bạn cần mua một địa chỉ tên miền với cái giá không hề đắt đỏ chút nào.
6. THỬ NGHIỆM BÁN HÀNG
Bạn đã có đủ nền tảng để kinh doanh rồi, nên bây giờ chính là lúc bạn có thể bắt tay vào thử nghiệm bán hàng. Hãy cố gắng truyền thông cho doanh nghiệp bằng các cách sáng tạo mà lại không tốn quá nhiều tiền (truyền miệng, tận dụng mạng xã hội, kết hợp với một bên khác để phủ sóng hình ảnh, v.v)
Nếu bạn mở một doanh nghiệp dịch vụ, hãy dành nhiều thời gian tới các hiệp hội thương mại địa phương hoặc các workshop dành cho doanh nghiệp nhỏ ngay lập tức, và hỏi xem bạn có thể sử dụng bất cứ nguồn nào đó để tuyên truyền, giới thiệu hoặc chia sẻ thông tin về doanh nghiệp của bạn hay không. Nếu bạn mở một doanh nghiệp sản xuất, hãy kiểm tra tính khả thi của sản phẩm tại các hội chợ ở địa phương, các khu chợ ở gần nhà hoặc các sự kiện cộng đồng khác, để kiểm tra xem người dân thực sự nghĩ gì (và liệu họ có mua sản phẩm) từ công ty bạn hay không.
Bạn có thể làm tăng lượng người truy cập vào trang web của mình bằng cách sử dụng quảng cáo trên Facebook với ngân sách giới hạn (ví dụ, thiết lập hạn mức chạy quảng cáo không vượt quá 100.000 VND/ tuần) – một biện pháp rất đơn giản, hoặc một cách khác là thiết lập một tài khoản đơn giản trên Google AdWords với hạn mức ngân sách phù hợp để kiểm tra xem mọi người có truy cập trang web của bạn hay không.
Bạn có thể làm theo sáu bước trên mà không cần tiêu tốn nhiều tiền bạc. Đây là một cách tuyệt vời để bạn kiểm tra tính khả thi của doanh nghiệp nhỏ của mình trước khi dồn tất cả thời gian và tiền bạc vào một ý tưởng mà chính bạn cũng không biết là có thể sinh lời hay không.