HỌC NGƯỜI XƯA BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Có thể nói, ở đời ai cũng mong muốn mình chiến thắng trong mọi sự. Chiến thắng trên thương trường, trên chính trường, trong tình trường hay trong mọi lĩnh vực lớn nhỏ của đời sống con người. Chiến thắng có thể được hiểu và được đồng hoá với thành công. Hai chữ “thành công” trở thành mục tiêu và đích đến của hầu hết con người sống, đặc biệt là nơi những con người có đầu óc cầu tiến. Hãy học người xưa bí quyết để thành công, chiến thắng trong mọi tình huống.

 

1. Kiên trì, vững tâm

Một người biết nắm bắt cơ hội để thành công và có khí tiết quang minh, lỗi lạc đều là do rèn luyện trong gian khó mà nên. Một người có tài thao lược tề gia trị quốc và trí tuệ hơn người cũng đều là từ mài giũa mà thành.

Con đường đi đến thành công phải trải qua rất nhiều gian truân, trở ngại. Trước trắc trở và thất bại, nếu không nỗ lực phấn đấu với thái độ tiến thủ tích cực thì khó có thể thành công. Tinh thần phấn đấu vì một mục đích, lý tưởng nhất định là sự thể hiện của ý chí tự lực tự cường không ngừng nghỉ.

Giữ kiên định phấn đấu trong nguy nan thì mới có thể phá được cửa ải khó khăn nguy hiểm. Nhẫn nại lao khổ, vào sinh ra tử, không sợ bất kỳ khó khăn nào bằng nghị lực mạnh mẽ nhất, chưa đạt được mục đích thì không lùi bước. Đó chính là bí quyết của thành công.

2. Chờ thời, phải luôn mài giũa ý chí

Tục ngữ có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu trong lòng chúng ta không màng vinh hoa phú quý thì sợ gì người khác đem danh lợi để cám dỗ. Nếu chúng ta có lập trường kiên định thì sợ gì bị thao túng? Những người ích kỷ luôn có ham muốn cá nhân buộc phải rào trước đón sau, cái gì cũng sợ không dám thẳng thắn, không dám làm những việc lớn, còn những người nhu nhược hèn yếu, khom lưng uốn gối, chỉ biết bợ đỡ không những chẳng có chút khí phách nào mà suốt đời cũng chẳng có gì đáng lưu truyền.

3. Vượt gian nan mới thành tài

Thiên đạo là một con đường rộng lớn, chỉ cần mọi người để tâm tìm hiểu thì trong sâu thẳm tâm hồn sẽ rộng vô biên. Lòng ham muốn của con người trên thế giới giống như một con đường nhỏ hẹp, vừa bước chân lên đã cảm thấy đó hoàn toàn là một con đường đầy bùn đất khấp khểnh, chỉ cần sơ sẩy là sẽ bị sa vào đầm lầy khó lòng thoát ra được.

Con người ta trong gian nan nguy khó mới hiểu được lòng nhau. Và cũng qua gian nan nguy khó mới trưởng thành hơn, về sau tránh được nhiều sai lầm vấp ngã.

4. Thất bại không thoái chí

Sự việc bỗng nhiên vừa ý mình thì quả là mĩ mãn nhất rồi, phàm là những việc thuận ý trời mới có được vẻ tự nhiên, nếu như con người cố tình thay đổi sửa sang thì sẽ làm mất đi vẻ đẹp đó.

Là người có học vấn, nhất định không được quá đề cao tài năng của mình, tự đề cao mình thường dẫn đến làm việc cảm tính. Nhưng cũng không nên quá tự ti, nghĩ mình quá kém cỏi như thế, cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề thường sẽ lạnh nhạt, thậm chí với hạnh phúc và khổ đau khi nó không liên quan tới mình.

5. Không ngừng hoàn thiện mình

Làm người không những phải nhận thức được hoàn cảnh, lòng người mà còn phải thông suốt những việc về người, về trời thì mới có thể thích ứng với cuộc sống. Con người khác động vật ở chỗ có lòng tự tôn, có lý tính, có trí tuệ, có ước vọng và có tình cảm. Vì thế con người phải tận dụng những thứ trời cho ấy, cố gắng sáng tạo và mưu cầu hạnh phúc.

Muốn có hạnh phúc của đời người thì phải bồi đắp trí tuệ của bản thân, đem hy vọng gửi gắm vào công việc, theo đuổi sự hoàn mỹ đến cùng. Bất kỳ sự nghiệp vĩ đại thành công nào của nhân loại từ xưa đến nay đều là trả giá trước rồi mới đạt được sự đền bù xứng đáng. Niềm vui chân chính của con người phải tìm kiếm từ chính cuộc sống tự lập.

6. Nuôi chí trong sự thanh đạm

Chính vì không tranh đấu với người khác nên mọi người cũng không ai tranh đấu với bạn. Không tranh đấu với đời tức là nuôi chí trong sự thanh đạm.

Nguyên nhân lớn nhất làm cho con người có tầm nhìn nông cạn chính là bộp chộp, tham lam, nóng lòng lập công, đoạt lợi, không thể tĩnh tâm, không chịu được sự cô đơn, tự nhiên không thể làm nên đại sự, kết quả là chỉ có để năm tháng trôi đi vô nghĩa, dần dần tài năng cạn kiệt không để gì lại cho đời.

7. Trong gian nan cần sáng suốt

Một con người trước hết phải nhận thức được mình đang ở trong hoàn cảnh nào, đồng thời có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Trên đường đời không vì thành công mà vui vẻ quá mức, cũng không vì thất bại mà nhụt chí. Bất kể là tai họa hay hạnh phúc cũng vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của cuộc sống, nỗ lực sáng tạo ra hoàn cảnh mới tốt đẹp hơn.

Hạnh phúc và niềm vui của đời người có thể khiến cho bạn từ trong sự dâng cao của khát vọng tiến tới chỗ sa ngã. Chỉ có lao động và tiết kiệm mới là cái tích cực khiến cho bạn từ trong nỗi đau khổ có thể tăng thêm dũng khí để tồn tại, khám phá ra chân lý cuộc sống.

8. Luôn luôn giữ chữ tín

Là một nhà lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao không chỉ biết làm báo cáo, ăn nói trôi chảy, biết dùng lời lẽ thuyết phục quần chúng mà quan trọng hơn cả là phải biết dùng hành động của mình làm gương, ép mình vào kỷ luật. Bởi vì mỗi hành vi, cử chỉ lời nói của mình đều bị quần chúng nhân dân quan sát chặt chẽ và động lực lớn nhất của họ cũng chính là hành động của mình. Đem hành động của mình thể hiện trong công việc là cách thu phục lòng người nhất.

9. Tùy thời mà hành sự

Nếu trước khi làm việc, chúng ta chuẩn bị tốt, có kế hoạch chu đáo, lại có sự nghiên cứu và suy nghĩ kỹ càng thì có thể tránh được tai họa, cho dù không thể giải quyết được vấn đề một cách toàn vẹn thì tối thiểu cũng không vấp phải những sai lầm đáng tiếc.

Nếu dựa vào tài năng của mình, cho rằng việc gì cũng có thể giải quyết được thì sẽ xem nhẹ sự việc. Trên thực tế, những sai lầm và thất bại lớn thường bắt nguồn từ chính những người tự cao tự đại này.

Bình luận của bạn