Vị Sầu Riêng Quyến Rũ Trong Bánh Pía Sóc Trăng

Bánh pía có vị ngọt thơm của sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đi dọc đường từ miền Tây về Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những gian hàng bán bánh pía dọc theo quốc lộ. Bánh pía là một sản phẩm của người Hoa, nhưng từ khi vào Việt Nam, loại bánh này đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân ở đây.

alt

Bánh pía có vị ngọt thơm của sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được.

Đi dọc đường từ miền Tây về Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những gian hàng bán bánh pía dọc theo quốc lộ. Bánh pía là một sản phẩm của người Hoa, nhưng từ khi vào Việt Nam, loại bánh này đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân ở đây.

Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Bánh pía có nguồn gốc từ người Hoa, những chiếc bánh pía nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo và đậu xanh. Tuy nhiên, khi đến miền Tây Nam bộ, những người dân ở đây đã biến tấu, thay đổi theo khẩu vị cho phù hợp. Những chiếc bánh pía ngày nay ngoài nhân thịt và đậu xanh còn được chế biến thêm nhiều loại nhân như khoai, hột vịt muối… và một nguyên liệu quan trọng giúp chiếc bánh trở thành đặc sản của vùng Nam bộ là sầu riêng.

Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Cho vào một ít chất phụ gia vào bột, chia ra làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, được dùng làm vỏ bánh bên trong.

Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, nhân đậu xanh, sầu riêng. Lấy đậu xanh và khoai môn hấp chín đem trộn đường, xay nhuyễn, chế thêm mỡ nước tạo nên mùi vị bùi bùi, beo béo hấp dẫn. Lòng đỏ hột vịt muối được đặt giữa nhân, bao bọc xung quanh là mỡ được thái sợi và ướp với đường.

Tùy từng loại bánh mà người ta sẽ đặt loại nhân phù hợp. Trước khi đem nướng, người thợ thoa dầu ăn lên khay bánh rồi cho vào lò. Sau 15 phút, khi chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm hấp dẫn cũng là lúc chiếc bánh đã được hoàn thành.

Những chiếc bánh pía có hình dáng nhỏ, tròn, vừa phải rất tiện lợi, có thể cầm ăn. Bánh không quá bở, mềm, có độ dẻo vừa phải để khi mới ăn không tan ngay.

Khách phương xa đến đây thường được mời ăn bánh pía và uống trà gừng. Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ.

VnCharm

Nguồn tham khảo:

Vị sầu riêng quyến rũ trong bánh pía Sóc Trăng

http://www.baomoi.com/Home/AmThuc/ngoisao.net/Vi-sau-rieng-quyen-ru-trong-banh-pia-Soc-Trang/7795747.epi

Bình luận của bạn