Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam

Dừa đã quá quen thuộc trong đời sống của mỗi con người. Ở Việt Nam, dừa được trồng nhiều từ Bắc tới Nam. Nhất là các tỉnh duyên hải. Đặc biệt Bến Tre là tỉnh nổi tiếng về dừa có diện tích trồng dừa cao nhất cả nước.

Dừa đã quá quen thuộc trong đời sống của mỗi con người. Ở Việt Nam, dừa được trồng nhiều từ Bắc tới Nam. Nhất là các tỉnh duyên hải. Đặc biệt Bến Tre là tỉnh nổi tiếng về dừa có diện tích trồng dừa cao nhất cả nước.

Bến Tre được mệnh danh là xứ sở dừa, với diện tích trên 72.000 ha; sản lượng trên 612 triệu trái. Nhờ tích cực đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm dừa được nâng lên, giúp giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa đạt khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, chiếm trên 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang… Thay vì trồng dừa để lấy nước và lấy cùi đơn thuần như trước kia, giờ đây, người dân miền Tây đã khéo léo chế biến để tận dụng hầu hết các bộ phận của cây dừa, từ thân dừa, quả dừa đến lá dừa…

Những năm gần đây diện tích dừa uống nước (dừa xiêm xanh) liên tục tăng do hiệu quả kinh tế cao vì giá bán tương đối ổn định. Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây dừa Bến Tre còn là cây chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam.

Dừa có tên khoa học: Cocos nucifera. Dừa hay cọ dừa, là một loài cây trong họ Cau. Nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos là một loại cây lớn, thân đơn trục có thể cao tới 30 m, với các lá đơn xẻ, cuống và gân chính dài 4–6 m các thùy với gân cấp 2 có thể dài 60–90 cm, lá thường biến thành bẹ dạng lưới ôm lấy thân.

Trong dừa chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, đa dạng các loại vitamin tốt cho sức khoẻ như: Cacbonhydrat: đường, chất xơ; Chất béo: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa; Chất đạm; Các vitamin: A, B (1, 2, 3, 5, 6, 9 ), C; Chất khoáng: kali,canxi, magie, kẽm, photpho…

Dựa theo tính chất, hình dạng có những loại dừa như sau: Dừa xiêm: trái nhỏ, vỏ xanh, nước ngọt; Dừa nếp: trái có màu vàng, xanh, nhỏ; Dừa bị: trái to, vỏ xanh; Dừa sáp: có cơm dừa xốp, béo, như bột nhào sệt; Dừa dứa: trái nhỏ, vỏ xanh, khi uống nghe mùi giống dứa; Dừa dâu: trái nhỏ, màu hơi đỏ….

Đến các điểm du lịch ở miền Tây, dễ dàng nhận thấy, hàng hóa bày bán làm quà đa phần được làm từ dừa. Đàn ông thì có rượu dừa, ấm ủ trà, bộ ấm chén pha trà; người già, trẻ em thì có kẹo dừa, bánh dừa khô, bánh hoa dừa, nước dừa; phụ nữ thì có kem dưỡng da, kem chống nắng, mặt nạ… được làm từ dầu dừa. Bên cạnh đó là rất nhiều các sản phẩm lưu niệm được làm từ trái dừa, thân dừa và xơ dừa như: Lọ đựng tăm, túi xách tay, con thú trang trí, đèn bàn, đồng hồ, đũa…

Tại điểm bán Đặc sản miền Tây (phường An Bình, thành phố Cần Thơ), chị Thanh Lan, một du khách cho biết: Vào đây chị mới hay, từ cây dừa người ta đã làm ra rất nhiều sản phẩm. Sản phẩm nào trông cũng đẹp mắt, chất lượng khá thơm ngon. Cũng là bánh dừa nhưng có nhiều loại khác nhau (bánh dừa nướng, bánh hoa dừa). Kẹo dừa thì ngoài kẹo dừa nguyên chất, còn có kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa ca cao, kẹo dừa lá dứa, kẹo dừa đậu phộng… Mỗi loại có các gói trọng lượng to – nhỏ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của mọi du khách.

Chị Hảo, một khách du lịch cũng chọn mua cho mình sản phẩm mặt nạ dừa - linh chi và giấy thấm hút dầu cho da vì “Nghe chị em dùng rồi khoe là sản phẩm tốt và lành tính, hầu như không có phản ứng phụ” - chị Hảo chia sẻ.

Không chỉ đa dạng mẫu mã, chất lượng thơm ngon, giá của các sản phẩm làm từ dừa khá hợp lý, chỉ từ 20.000 – 100.000 đồng/sản phẩm. Đây là lý do khiến khách hàng nào có dịp tiếp cận với các mặt hàng làm từ dừa, đều chọn mua cho mình và người thân một vài sản phẩm.Bên cạnh việc sản xuất, chế biến ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhờ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa.

Số lượng sản phẩm dừa và chế biến từ dừa của Bến Tre tùy thuộc vào cách tiếp cận, nghiên cứu này tiếp cận theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kèm theo sáu qui tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới, trong đó: hàng hóa được phân loại theo nguyên liệu hoặc cấu thành tạo nên tính chất cơ bản của hàng hóa. Yếu tố xác định tính chất cơ bản của hàng hóa đa dạng theo các loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, có thể xác định theo bản chất của nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành, theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá, hoặc theo vai trò của nguyên liệu cấu thành có liên quan đến việc sử dụng hàng hóa.

Trên cơ sở đó, kết hợp với kết quả điều tra, khảo sát thực tế cũng như phân tích xuất xứ từ nguồn nguyên liệu đầu vào (cây, thân, lá, hoa, trái, vỏ, gáo, vỏ lụa, cơm, nước dừa và công nghệ tạo ra sản phẩm; căn cứ vào quy cách, đặc điểm, tính chất mô tả, công dụng của sản phẩm dừa bước đầu đã thống kê, phân loại 208 sản phẩm chế biến từ dừa. Đây có thể được coi là cây trồng cho ra nhiều sản phẩm chế biến nhất cả nước hiện nay.

 

Bình luận của bạn