Thái Bình: Xây dựng thương hiệu lúa gạo tiềm năng
Tỉnh Thái Bình là địa phương có nhiều thế mạnh sản xuất lúa về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hạ tầng thủy lợi và trình độ thâm canh. Tuy vậy, hiện nay mục tiêu sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình hướng đến xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Tỉnh Thái Bình là địa phương có nhiều thế mạnh sản xuất lúa về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hạ tầng thủy lợi và trình độ thâm canh. Tuy vậy, hiện nay mục tiêu sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình hướng đến xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khắp các vùng nông thôn trong tỉnh Thái Bình, nơi nào cũng vang lên câu hát: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ, ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày”. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Hạt thóc của người Thái Bình lúc ấy được sẻ chia làm ba, bốn phần, vừa để nuôi quân, vừa bảo đảm nhu cầu lương thực tối thiểu cho các lực lượng lao động ở hậu phương.
Những năm tháng chiến tranh, hạt thóc được làm ra từ đồng đất Thái Bình đã “nổi danh” từ hậu phương đến tiền tuyến. Ngày nay, phát huy truyền thống quê hương, những sản phẩm như gạo Japonica, gạo đỏ huyết rồng, gạo nếp cái hoa vàng Thụy Ninh, gạo nếp bể làng Keo, gạo chợ Gốc, rau củ quả các loại được trồng từ đồng đất Thái Bình đã tiếp tục đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu thuận lợi với tổng diện tích tự nhiên 153.596 ha. Ngoài diện tích cấy lúa, đất đai Thái Bình rất thích hợp cho các loại cây, như: cây thực phẩm (khoai tây, dưa chuột, sa lát, hành, tỏi, lạc, đậu tương, ớt xuất khẩu), cây công nghiệp ngắn ngày (cây đay, cây dâu, cây cói), cây ăn quả nhiệt đới (cam, táo, ổi bo, vải thiều, nhãn, chuối), trồng hoa, cây cảnh,…
Trong năm 2021, tỉnh Thái Bình xây dựng thành công các sản phẩm gạo mang thương hiệu của các địa phương như gạo làng Giắng, gạo làng Keo, gạo thơm 14/10, gạo hữu cơ ở vùng nuôi rươi. Mỗi sản phẩm gạo đều có bộ nhận diện thương hiệu, khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Để việc sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, các HTX sản xuất kinh doanh lúa gạo cũng đã được thành lập ở các địa phương. Theo đó, các HTX này sẽ đảm nhận tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Theo Báo cáo năm 2022, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD, tăng khoảng 16% về lượng và hơn 6% về giá trị so với năm 2021. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm của ngành gạo giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.
Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. Đây cũng là một năm khá thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn.
Từ nền tảng của năm 2022, các nhà xuất khẩu gạo dự báo rằng, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023. Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo.
Bối cảnh xuất khẩu gạo của cả nước là thế nhưng tại Thái Bình các doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận những cơ chế, chính sách ưu đãi mà các FTA mang lại cũng như chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu được bởi đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình có hơn 150.000ha lúa/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn thóc/năm. Theo tính toán, người dân Thái Bình mới chỉ dùng hết 30-40% số lúa, gạo sản xuất ra. Số còn lại để xuất khẩu hoặc bán ra các tỉnh ngoài. Tuy nhiên, số lượng thóc, gạo được xuất khẩu lại quá ít. Các hiệp định thương mại tư do như EVFTA và RCEP có hiệu lực mở ra rất nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu, khu vực ASEAN và các nước đối tác RCEP nhưng các doanh nghiệp không phát huy được, rất lãng phí.
Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương, là cơ quan được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Sở cũng tiếp tục củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục như: Tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành hàng năm. Sở cũng là “cầu nối” để kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước như Tập đoàn Central Retain, Masan..., đưa các sản phẩm của tỉnh vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm dừng nghỉ, các bếp ăn tập thể của các tập đoàn sản xuất....
Chính nhờ những nỗ lực này, các mặt hàng nông sản và công nghiệp tiêu biểu của Thái Bình đã xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước ASEAN như gạo, bún phở khô, bánh đa, trà dược, thủy hải sản, nước mắm, bánh kẹo, khăn tay bông, hàng thủ công mỹ nghệ... góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Được biết, hiện Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất kết nối gần 100 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh theo 3 trụ cột là sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đặc trưng khác, trong đó có nhóm sản phẩm tiêu biểu như mặt hàng gạo và các sản phẩm gạo, thủy sản, thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, sản phẩm dệt, đũi..., với 64 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.