TÒ HE – MỘT NÉT VĂN HÓA DÂN GIAN

Trong số các trò chơi dân gian, có lẽ tò he vẫn là một trong những trò chơi còn được hiện hữu đến nay. Mới đây thôi, tò he còn được chọn là một trong những mặt hàng nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam tham gia trong Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Mỹ.

Trong số các trò chơi dân gian, có lẽ tò he vẫn là một trong những trò chơi còn được hiện hữu đến nay. Mới đây thôi, tò he còn được chọn là một trong những mặt hàng nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam tham gia trong Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Mỹ.

Image

 

Xưa kia, tò he là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa: chơi, ăn, cúng, lễ… Cái tên “tò he” cũng tồn tại trong dân gian từ khá lâu, và người làm nghề có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên - Hà Tây). Theo lời một cụ già trong làng, nghề nặn tò he có lịch sử hơn 300 năm. Nhưng đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác về cái tò he này có từ bao giờ?

Ban đầu, người ta gọi tò he là đồ chơi chim cò: các con công, gà, lợn, cá, trâu, bò… những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp; Nhưng về sau, sản phẩm thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, đầu kèn có dính kẹo mạch nha, nguyên liệu làm bằng bột gạo hấp chín, màu sắc tươi rói và có nhiều chủng loại. Kèn có thể phát ra một thứ âm thanh hấp dẫn, khi thổi lên có tiếng kêu ngắt quãng tò… te… tò… te. Có lẽ vì thế người ta gọi là “tò te”, sau nói chệch thành “tò he”. Một loại sản phẩm khác không thuộc loại chim cò mà là các mâm bồng như: nải chuối, đĩa xôi, chân giò, quả cau, quả hồng, quả oản… để phục vụ cho các bà, các cô đi lễ chùa vào các ngày rằm, mồng một có màu sắc đẹp. Sản phẩm tương đối giống đồ thực và pha thêm chút đường có thể ăn được nên trẻ con và người lớn đều thích, thường gọi là bánh vòng hoặc “con bánh”.

Người nặn tò he có một nguyên tắc của dòng họ là chỉ truyền cho con trai và con dâu. Nặn tò he có nguồn gốc lâu đời nhưng do tư liệu chép đã bị cháy nên không tìm ra được ông tổ nghề. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ: Ðặng, Nguyễn, Vũ, Lê, Chu, Trịnh... mà họ nào cũng biết nặn tò he. Vì thế chức danh ông tổ nghề được phong cho dòng họ nào cũng xứng đáng cả. Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra: bột gạo, phẩm mầu, que tre.

Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ theo tỷ lệ 1 kg gạo tẻ với 1 lạng gạo nếp. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột, và nhuộm màu cho bột.

Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: mầu xanh từ lá cây, màu đỏ của gấc, mầu vàng từ nghệ, mầu đen từ tro bếp, màu tím từ một loại lá của người dân tộc thiểu số... Ðiều đáng nói ở đây là mầu rất bền, không bị loang ra. Màu nào vẫn giữ nguyên màu đó khi ta đem trộn lẫn chúng vào nhau

   Tò he - Lưu giữ nét văn hóa dân gian

                                         Image

Với một hòm hành trang gọn nhẹ, các nghệ nhân nặn tò he thường xa nhà ít nhất là vài ba ngày, lâu là hàng tháng trời. Họ rong ruổi trong các phiên chợ quê, trong các ngõ xóm, phố phường để sống và giữ nghề tổ tiên? Đâu có họ là có đám đông trẻ nhỏ xúm quanh. Chỉ được xem các nghệ nhân thao tác thôi, cũng đủ thấy mê rồi. Cá biệt, có người mời họ về nhà đắp những nhân vật trong hòn non bộ, nặn những bộ tam đa, những nhân vật trong truyền thuyết. Những lần như vậy, họ thường được đón tiếp và trả công khá hậu hĩnh. Theo các nghệ nhân, nếu một ca gạo chuyển thành bột, qua tay người nặn, thành sản phẩm bán thu về có giá trị bằng 3 ca gạo. Xưa thế, nay vẫn thế. Nhiều gia đình làm nghề xây nhà, mua sắm trang thiết bị, dành tiền cho con đi học, tất cả đều trông vào hòm hàng tò he.

Người làm tò he bây giờ cũng năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước các đối tượng để nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, hình người là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,.. thì bây giờ tò he phong phú hơn rất nhiều. Với riêng đối tượng thiếu nhi, họ rất để ý đến những phim hoạt hình mới mà các em được xem. Nếu “chẳng may” các em yêu cầu được mua những hình mình thích thì chỉ cần nhìn qua là các nghệ nhân có thể nặn giống được. Và để nắm vững được thời gian cụ thể của những ngày hội, ngày lễ họ có trong tay cả quyển sách ghi lại các ngày lễ tết của tất thảy mọi vùng miền trong cả nước. Họ cũng quan tâm cả đến thời tiết, nhiệt độ… vì đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng tò he bán được.

                                       Image

Nghệ nhân cao tuổi nhất trong làng là cụ Ðặng Văn Tố (81 tuổi). Cụ được phong tặng những danh hiệu:“Nghệ nhân dân gian”, “Ngôi sao quê lụa” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tây. Cụ đã vinh dự được mang nghề truyền thống của quê hương đại diện cho Việt Nam tham gia "Những ngày văn hóa Việt Nam" tại Nhật Bản. Nghề nặn tò he đã được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Đó thực sự là những phần thưởng quý giá dành cho người có nhiều cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống - nghề làm tò he.

    Tìm hướng đi mới cho nghề làm tò he

                             Image

Đã có một thời gian, nghề làm tò he truyền thống này tuởng chừng như bị mai một do không cạnh tranh nổi với nhưng món đồ chơi nước ngoài. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, bền đẹp lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Tuy nhiên, nhờ những chính sách nhằm duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của Đảng và Chính phủ, làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ được một loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hoá dân gian.

Song, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta là đều vướng mắc ở “đầu ra”’ cho sản phẩm. Xuân La cũng đang vươn mình tìm đến những thị trường rộng lớn hơn. Người ta thích tò he không giống như sự yêu thích những thứ đồ chơi hiên đại, đắt tiền. Mà thích ở cái mộc mạc, đậm tính dân tộc của tò he, ở tính thủ công từ những đôi tay khéo léo. Sở dĩ tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhược điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). Gia đình nghệ nhân dân gian Đặng Văn Tố từng đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về nghề nặn tò he. Trong số những vị khách ấy, có không ít người đặt vấn đề đưa tò he ra nước ngoài. Thế nhưng sản phẩm làm ra, đem đóng hộp mang sang đến nước bạn thì bị khô nứt. Kế hoạch đưa tò he ra thị trường thế giới đành phải tạm dừng ...vô thời hạn!

 Một mặt, người dân Xuân La vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của mình. Mặt khác, họ không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới. Gia đình bà Diền là gia đình đầu tiên và duy nhất ở Xuân La thử nặn tò he bằng bột đao. Tò he làm bằng bột đao có thể để được rất lâu (khoảng 1năm) mà không sợ nứt, mốc. Nhưng nhược điểm là rất khó nặn và không đẹp bằng tò he làm từ chất liệu bột gạo. Hơn nữa, khi nặn xong phải đem luộc lại - mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, thợ nặn phải làm trước ở nhà rồi mới đem bán. Chính điều này làm mất đi cái hay của tò he - người mua được chứng kiến tận mắt bàn tay khéo léo của thợ nặn.

Mong muốn lớn nhất của người dân Xuân La là có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn rất nhiều lần . Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.

Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học. Nó có tầm quan trọng trong cuộc sống, học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện tính thẩm mỹ cho trẻ em. Những người tạo tác ra nó mặc dù chưa đủ nâng các sản phẩm của mình lên hàng mỹ nghệ (vì sản phẩm chỉ sử dụng trong khoảng từ 10 đến 30 ngày) nhưng các sản phẩm ấy đã để lại cho người xem những tình cảm thắm đượm. Ngôn ngữ khối trong tò he giàu tính biểu cảm, tính nhịp điệu mang nét gợi nhớ. Nó giản dị như ca dao, là tích tụ của trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Tò he thực sự là món ăn tinh thần rất gần gũi với người dân Việt Nam.

Bình luận của bạn