Giữ gìn nét đẹp tượng gỗ Tây Nguyên

Từ xa xưa, hình ảnh những pho tượng gỗ nhiều hình thù cổ kính, rắn rỏi đứng hiên ngang dãi dầu mưa nắng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Tây Nguyên. Tạc tượng gỗ dân gian không chỉ là biểu hiện của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” thiêng liêng, mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công lâu đời và độc đáo của các tộc người miền cao nguyên nắng gió.

Vườn tượng ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum) là một điểm tham quan đặc sắc. Ảnh: TRÀ XANH

Những người tạc nên “hồn vía” buôn làng

“Ai dạy tôi tạc tượng ư? Chính là cả buôn làng, là những cây gỗ trong rừng. Ông cụ tôi là người cầm tay chỉ cho những nhát cắt, nhát đục đầu tiên” - nghệ nhân A Gông, người Mơ Nâm ở huyện Kon Plông (Kon Tum) vừa say sưa hoàn thành bức tượng gỗ “Lên rẫy” của mình, vừa chậm rãi hồi tưởng. Anh là một trong số 11 nghệ nhân tạc tượng vừa tham gia thi tài và được vinh danh tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên năm 2016.

Mặc dù trước đây chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp nào, nhưng những nghệ nhân tạc tượng vốn đam mê nền văn hóa truyền thống đặc thù của Tây Nguyên, vẫn có thể sáng tạo nên những tác phẩm của mình để làm đẹp cho đời. Các bức tượng thường được tạc đẽo bằng công cụ thô sơ, sẵn có trong lao động sản xuất, cho nên thoạt nhìn có vẻ xù xì, mộc mạc, nhưng phải ngắm kỹ mới thấy được độ khó trong việc tạo hình và sự tinh tế của bàn tay nghệ nhân. Từ một thân gỗ nguyên khối, mầu sắc hoàn toàn tự nhiên, chỉ sau vài thao tác, họ đã tạo nên những mảng khối, dáng hình, điệu bộ… gợi cho người xem nhiều suy tưởng. Những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, lựa sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ là có thể tạo ra hình ảnh của khuôn mặt rám nắng rất sống động cho nhân vật. Được sáng tác theo chủ đề nhưng không có khuôn mẫu chung nào cả, do vậy mỗi bức tượng chính là một sản phẩm riêng biệt, độc đáo, không bao giờ có hai bức tượng gỗ giống hệt nhau.

Đối với người Ba Na ở Gia Lai, nhà mồ, nhà rông đẹp phải được trang trí kỳ công kèm theo nhiều tượng gỗ dựng ở bốn góc, chung quanh hàng rào, hai bên cửa ra vào. Người tạc tượng có thể là những người đàn ông trong làng hoặc làng khác tới, được già làng hoặc gia chủ mời. Thật lạ, những bức tượng chim muông, thú vật hay cảnh người đánh chiêng, giã gạo, ôm nhau, yêu nhau, hút thuốc, đánh đàn… nhìn đơn giản nhưng lại rất có hồn, toát lên cốt cách con người, rừng núi Tây Nguyên. Nghệ nhân Đinh Văn Chơng (huyện Kbang, Gia Lai), nổi tiếng với những bức tượng gỗ tạo hình người phụ nữ Ba Na khỏe khoắn khi lao động hay duyên dáng khi múa hát, bảo rằng: “Khi tạc tượng, không phải chỉ dùng trí óc để suy nghĩ hình dáng, mà còn phải dùng trái tim để cảm nhận, để nhớ lại hình ảnh các bà, các mẹ, các cô gái trong làng xinh đẹp và chăm chỉ thế nào”.

Tượng gỗ dân gian đã có từ xa xưa, trước đây vốn chủ yếu được dùng để trang trí nhà mồ trong lễ bỏ mả, nghi lễ mang tính cộng đồng đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Người sống tái hiện các sự vật, hoạt động đời thường qua các bức tượng để chia sẻ, bầu bạn với người đã khuất ở một thế giới mà họ tin là còn tồn tại sau cái chết. Dần dần, trải qua bao thăng trầm của thời gian, quan niệm cộng đồng cũng có những biến đổi. Nhưng tượng gỗ Tây Nguyên bây giờ vẫn được dùng trang trí các khu nhà mồ, rồi nhà sàn, nhà rông, được đặt ở công viên, bảo tàng, khu du lịch, thậm chí được một số nhà sưu tầm nghệ thuật trong nước và quốc tế tìm đến đặt hàng… Nghệ nhân 60 tuổi Ksor H’Nao ở thành phố Plây Cu (Gia Lai) từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, có tới gần 100 bức tượng được trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) và Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn (Đác Lắc). Ông quan niệm, mỗi bức tượng đều mang “hồn vía” của buôn làng, người tạc tượng phải trân trọng và hết lòng với nó. Luôn đau đáu nỗi niềm với bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, ông còn mở lớp dạy nghề tạc tượng cho con, cháu và các thanh niên, em nhỏ tại địa phương.

Các nghệ nhân tạc tượng của năm tỉnh Tây Nguyên thi tài trong Liên hoan tạc tượng dân gian Tây Nguyên năm 2016. Ảnh: Giang Thanh

Để tượng “sống” mãi với thời gian

Một điều đáng vui mừng, là Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2016 vừa diễn ra tại tỉnh Kon Tum, đã quy tụ các nghệ nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau của năm tỉnh Tây Nguyên chứ không phải chỉ có lớp người cao tuổi; chứng tỏ đã có sự tiếp nối thế hệ để duy trì, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Nếu như các nghệ nhân trẻ thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, hoạt động lễ hội thì các nghệ nhân lớn tuổi lại hướng về chủ đề gia đình, tình cha con, mẹ con, vợ chồng… Người Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng, Gié Triêng…, mỗi dân tộc có những nét văn hóa khác nhau, nhưng cùng chung tình yêu thương chan hòa với thiên nhiên, vạn vật, yêu lao động, yêu các lễ hội và nghệ thuật dân gian. Điều đó có thể nhận thấy rõ qua các tác phẩm điêu khắc tượng gỗ: người phụ nữ giã gạo, dệt vải; người đàn ông đi săn, lên rẫy; già làng cúng lễ, cầu mưa; mẹ bồng con; nam nữ hẹn hò, nhảy múa… Em A Huỳnh, người Gié Triêng ở Ngọc Hồi (Kon Tum), một “phụ tá nhí” đắc lực đã giúp thầy mình hoàn thành bức tượng dự thi, cũng tranh thủ dùng luôn vật liệu gỗ, nứa lá, dây rừng và dao, rìu, chà gạc để tạc nên bức tượng của riêng mình. Em chia sẻ: Lần đầu cầm rìu vung lên tạc vào thớ gỗ, thấy sao mà lúng túng và… đau tay, nhưng qua sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân lớn hơn, em càng thấy tự tin và ham học, say sưa với điêu khắc gỗ.

Anh Đinh Plih là nghệ nhân tạc tượng lành nghề ở huyện Kbang, đồng thời cũng là một cán bộ xã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn nghệ thuật tạc tượng và đánh chiêng ở địa phương. Nhận thấy sự thờ ơ của lớp trẻ đối với văn hóa truyền thống dân tộc, anh tìm cách vận động người thân trong gia đình mình trước, rồi đến các thành viên trong cộng đồng, buôn làng giữ nếp ăn, ở, trang phục và nghệ thuật. Nhờ có những người như anh, vốn văn hóa quý được phát huy trong cộng đồng. Đã có nhiều nghệ nhân chuyên làm tượng và đạt đến trình độ cao ở tỉnh Gia Lai như Đinh Sim, Đinh Văn Chơng (Kbang), Đinh Bleh, Y Ứt (Chư Păh), Kpa Liu (Plây Cu), Đinh Văn Ươn, Hoàng Jang Lúc (Đác Đoa)… vừa sáng tạo để trang trí cho các kiến trúc phục vụ sinh hoạt và tín ngưỡng tâm linh, vừa để bán làm đồ trang trí nội - ngoại thất cho các khuôn viên công cộng, nhà bảo tàng trong nước và quốc tế, nhà sưu tầm, làm quà lưu niệm cho du khách…

Việc tổ chức các cuộc thi, ngày hội giao lưu cũng là việc làm thiết thực. Hội thi tạc tượng ở Khu du lịch sinh thái cộng đồng buôn Kô Tam (Đác Lắc) hay trưng bày vườn tượng ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum) đều đã được ghi thêm vào bản đồ những địa chỉ văn hóa - du lịch lý thú, đồng thời còn góp phần bảo tồn nghệ thuật tạc tượng. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), hằng năm đều diễn ra một số chương trình giao lưu văn hóa các dân tộc, tôn vinh di sản, trong đó có hoạt động thi tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc khôi phục và phát triển nghề tạc tượng gỗ Tây Nguyên sau một thời gian tưởng như mai một, thật không dễ dàng. Hiện nay, dù nghề vẫn còn nhưng sự xuất hiện của máy móc, công nghệ hiện đại đã ít nhiều tác động đến nghệ thuật truyền thống. Tượng được tạc ra nhiều khi láng bóng hoặc sơn mầu sắc lòe loẹt, thiếu đi cái “hồn” và cảm xúc. Hoặc việc sản xuất tượng nhiều kích cỡ để làm đồ lưu niệm vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Ngành văn hóa, du lịch chưa có đề án hay chương trình dạy nghề nào về loại hình này.

Ngày nay, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ, mà được xem như một cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật ngoài trời để các nghệ nhân gửi gắm cảm xúc, thể hiện khả năng tư duy sáng tạo của mình, giới thiệu bản sắc dân tộc đến với đông đảo đồng bào và du khách. Hy vọng với cái tâm, cái tài của những “nghệ sĩ buôn làng” và sự trợ giúp thiết thực, kịp thời từ chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan, sẽ có nhiều lớp nghệ nhân ưu tú tiếp nối truyền thống, giữ cho “hồn vía” buôn làng đẹp mãi giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Bình luận của bạn