Quy trình tạo ra gạo ST25 ngon nhất thế giới
Mới đây giống gạo ST25 của Việt Nam được vinh dự nhận giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại hội nghị thương mại gạo Thế giới lần thứ 11 tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines.
Giống gạo này do nhóm nhà khoa học của tỉnh Sóc Trăng gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tuấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo phát triển.
Sau khi được vinh danh, lượng tiêu thụ gạo ST25 tại các đại lý tăng vọt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Cùng tìm hiểu quy trình tạo ra loại gạo ngon nhất thế giới như thế nào.
Trong những năm qua, Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng đã thu thập hàng nghìn giống lúa từ khắp các vùng miền trong nước và trên thế giới. Để tạo ra giống lúa mới như ST24, ST25 các nhà khoa học phải thực hiện phép lai giữa rất nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều giống lúa phức tạp về kiểu gen. Sau cùng sẽ sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Các giống lúa ST mà mới nhất là ST25 ngoài thơm ngon hơn còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm.
TS Trần Tấn Phương, Giám đốc trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng: “Giống lúa ST25 thơm, hạt trắng, chắc và kháng được bệnh đạo ôn, rầy nâu và chịu được mặn. Rất phù hợp cho các tỉnh ven biển ở đồng bằng Sông Cửu Long.”
Sau khi được chọn sẽ chuyển đến trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang để tiếp tục phát triển. Tại đây 8 ha ruộng được các kỹ sư sử dụng để trồng và chọn lọc cải tiến các giống lúa thơm đặc sản ST.
Anh hùng lao động – kỹ sư Hồ Quang Cua: “Thí dụ như 1 ha lúa của Thái Lan, của Campuchia hoặc Myanmar. Với giống lúa mùa cổ truyền họ chỉ có thể thu dưới 2 tấn mỗi hecta. Còn với giống ST có thể trồng 2 vụ/năm “. Hiện hồ sơ về giống lúa ST25 được gửi ra bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đang mong muốn giống lúa này sớm được công nhận để được cung ứng cho bà con nông dân sản xuất trên quy mô rộng hơn.
Sau khi được công nhận giống, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh thì các địa phương và người nông dân cũng nên đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật để giữ đúng chất lượng của giống gạo này. Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến và xuất gạo nên tính đến việc đầu tư cho sự phát triển của giống lúa ST25 để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững về lâu dài. Tạo điều kiện xuất khẩu gạo ngon với giá cao.