Gốm Bồ Bát: Chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình

Sau gần 500 năm thất truyền, làng gốm cổ Bồ Bát (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đang dần hồi sinh, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây.

Sau gần 500 năm thất truyền, làng gốm cổ Bồ Bát (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đang dần hồi sinh, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây.

Gốm Bồ Bát đã có trên 3.000 năm lịch sử và là nguồn gốc của gốm Bát Tràng ngày nay. Theo sử sách ghi lại, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng nơi có nguồn đất sét tốt để sản xuất và lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi các nghệ nhân, thợ giỏi ra Thăng Long lập phường gốm mới, người dân nơi đây dần không giữ được nghề, gốm Bồ Bát rơi vào thất truyền.

Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Yên Thành, từ năm 2000, anh Phạm Văn Vang người dân làng Bạch Liên đã ra Bát Tràng học nghề, năm 2003 lập xưởng sản xuất và mang sản phẩm thương hiệu gốm Bồ Bát đi giới thiệu, quảng bá. Năm 2006, anh Vang về làng Bạch Liên, quê hương của gốm Bồ Bát xưa để lập nên doanh nghiệp (DN) tư nhân gốm Bồ Bát, đặt viên gạch đầu tiên hồi sinh cho nghề gốm Bồ Bát. Sau khi về quê, được sự giúp đỡ của bà con, anh đã dựng xưởng sản xuất rộng 300 ha với 25 thợ làm việc thường xuyên. Sản phẩm chính của cơ sở là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… với màu men gan-loại men giả cổ. Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành khoảng 10 nghìn đồng/bát, bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát có những đặc trưng không nơi nào có được bởi màu men, độ mịn đến các họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác. Tất cả thể hiện ở chất đất, màu sắc, hình khối họa tiết gắn liền với hình ảnh non nước Ninh Bình. Đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của DN tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên gốm. Các sản phẩm chính như chuông gió, vòng cổ, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với hình dáng đa dạng, màu men được chế tác tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí thiên về tính truyền thống văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh... Xưởng gốm cũng đã cho ra lò nhiều sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Cố đô để tạo ra nét riêng cho gốm Bồ Bát. Hình ảnh các điểm du lịch nổi bật của Ninh Bình như Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An, Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động... đã được lựa chọn và sản xuất hàng loạt hoặc theo đơn hàng đã trở thành món quà của mỗi du khách khi về Ninh Bình. Trước kia, gốm Bồ Bát chủ yếu được tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh nhưng nay chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình cung đã không đủ cầu. DN hiện chưa đủ sức sản xuất đại trà mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Mới đây, Bộ đồ gốm của DN tư nhân gốm Bồ Bát - sản phẩm của tỉnh Ninh Bình được Bộ Công Thương bình chọn và tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.

Ngoài ra, trên địa bàn Yên Thành có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm bị nứt, vỡ ít hơn so với các loại đất sét khác. Đây là điều kiện thuận lợi cho dòng gốm cổ Bồ Bát hồi sinh, phát triển.

Tuy nhiên, để dòng gốm này phát triển còn rất khó khăn. Cả thôn Bạch Liên hiện chỉ duy nhất có DN tư nhân Gốm Bồ Bát sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, vì DN có quy mô nhỏ, tài sản thế chấp hạn chế rất khó tiếp cận nguồn vốn vay thương mại. Tính theo hộ gia đình mỗi suất chỉ vay được 50 triệu đồng, mượn sổ đỏ của 10 gia đình vay được 500 triệu chỉ đủ đầu tư 1 loại thiết bị. Do sản xuất tại hộ gia đình nên mặt bằng chật hẹp, không có khả năng mở rộng.

Được biết, để khắc phục một phần khó khăn, DN tư nhân gốm Bồ Bát đã xây dựng kế hoạch di dời ra khu sản xuất mới với quy hoạch khoảng 2ha và đang chờ phê duyệt. Từ các nghệ nhân đang tham gia tạo mẫu, sản xuất, DN cũng có kế hoạch nhân rộng thành các cơ sở sản xuất vệ tinh. Mỗi cơ sở sẽ chuyên một dòng sản phẩm khác nhau để tránh cạnh tranh và tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Sở Công Thương Ninh Bình đang có kế hoạch hỗ trợ DN đầu tư xây dựng khu trưng bày sản phẩm nhằm giúp DN giới thiệu và quảng bá rộng rãi hơn nữa sản phẩm gốm cổ Bồ Bát.

Bình luận của bạn