Quá trình triển khai
Về công tác tuyên truyền, nhiều cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Cuộc vận động; kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động. Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các chuyên mục “Tiêu dùng thông minh”, “Chắp cánh thương hiệu”, “Ô cửa bí mật”; thường xuyên đăng tải tin bài về Cuộc vận động trên Bản tin Thời sự hàng ngày và các bản tin chuyên đề Thời sự, Kinh tế, Văn hóa, Đại đoàn kết. Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội xây dựng chuyên mục về Cuộc vận động 2 buổi/tuần, chuyên mục kinh tế thường xuyên giới thiệu hàng Việt 2 buổi/tuần, phối hợp tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Báo Hà Nội mới mở chuyên mục thương hiệu Việt và đăng tải hơn 100 tin bài tuyên truyền về Cuộc vận động. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phát phóng sự về quá trình triển khai Cuộc vận động.v.v…Thêm vào đó, Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các báo điện tử. Các báo điện tử thường xuyên đưa tin bài tuyên truyền về Cuộc vận động. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 99 tin bài, Trang thông tin điện tử Mặt trận 60 tin bài, Báo Công thương điện tử trên 40 tin bài, Báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử 25 tin bài.v.v…
Về hoạt động rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 725/CT-TTg Về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong đó nhấn mạnh “phát động sâu rộng phong trào” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Công thương thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật Bảo vệ người tiêu dùng, viết Tờ trình số 3933/BCT-CNNg đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành Chương trình hành động quốc gia phát triển sản xuất hàng công nghiệp thay thế hàng công nghiệp nhập khẩu.v.v…
Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước, Bộ Công thương đã triển khai các hoạt động Xúc tiến thương mại nội địa như: hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn; hoạt động bán hàng Việt khuyến mại; hoạt động Hội chợ, triển lãm hàng Việt; các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; hoạt động mở rộng thị trường.v.v…
Nhìn chung, sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan từ ba phía, bao gồm: doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Về phía doanh nghiệp: do Cuộc vận động tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, nên các doanh nghiệp nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình, từ đó chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững. Nhờ vậy mà các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã dần được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu, từng bước tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.
Về phía người tiêu dùng: do hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ chương của Cuộc vận động; các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa như bán hàng khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, các hội chợ triển lãm diễn ra liên tục, tần suất cao nên người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: đã có nhận thức lại tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó có tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, từ việc kiểm soát hàng nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước đến việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ cho hàng hóa và thị trường nội địa.