Ăn kẹo cu đơ cảm nhận cái tình của người Hà Tĩnh
Kẹo cu đơ có bề ngoài sần sùi, thô nhám nhưng ăn vào còn để mãi một dư vị ngọt ngào, nồng ấm chứa chan tình người.
Kẹo cu đơ có bề ngoài sần sùi, thô nhám nhưng ăn vào còn để mãi một dư vị ngọt ngào, nồng ấm chứa chan tình người.
"Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh" ca khúc quen thuộc chứa chan nghĩa tình, Hà Tĩnh quê mình có nhiều điều để nhớ, đó là cái nhớ về núi Hồng Lĩnh, về sông La.. và nhớ kẹo cu đơ. Cái món ăn tưởng chừng mộc mạc, đơn sơ đó luôn làm nặng hành trang của người xa quê, nhìn kẹo cu đơ nhớ về quê hương Hà Tĩnh và nhắc đến Hà Tĩnh lại nghĩ đến kẹo cu đơ.
Hà Tĩnh là quê hương của kẹo cu đơ, mỗi khi có khách ghé chơi người dân ở đây thường mời khách ăn miếng kẹo cu đơ cùng bát nước chè xanh. Đó như là một nét văn hóa, một truyền thống của người dân ở mảnh đất quanh năm gió Lào.
Theo những người dân ở đây, kẹo cu đơ được cho là xuất phát từ vùng Hương Sơn - Hà Tĩnh. Xung quanh cái tên gọi này là một câu chuyện đầy cảm động. Chuyện kể rằng là đám cưới con trai đầu lòng nhưng người cha không có gì để làm lễ mời bà con hàng xóm, trong nhà chỉ còn mỗi mật đường mía và lạc sống. Người cha đã nghĩ ra món kẹo lạc bằng cách rang chín lạc rồi trộn mật đổ lên trên. Món ăn lạ đấy được mọi người đặt tên là Cu Hai (lấy theo cách gọi đứa con trai đầu lòng của ông). Khi người Pháp đến Việt Nam, sau khi được thưởng thức món ăn này, họ đã gọi Cu Hai là Cu Đơ (trong tiếng Pháp Duex - phiên âm là đơ có nghĩa là hai), cái tên bình dân đó bây giờ trở thành tên gọi cho một đặc sản, một món ăn đậm chất quê hương.
Kẹo cu đơ có bánh tráng nướng giòn ở hai mặt, ở giữa là nhân lạc rang được phủ một lớp mật có màu vàng trông hấp dẫn và bắt mắt. Kẹo cu đơ đơn giản là thế, nhưng để làm ra là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Nguyên liệu chính của kẹo là mật, lạc rang và bánh tráng. Mật phải trong, vàng óng được lấy từ mật mía nguyên chất và được đựng trong những chiếc hủ bằng sành hoặc sứ để không làm mất đi hương vị của mật. Lạc rang phải là loại hạt vừa, không bị sâu, lớp vỏ lụa bên ngoài không bị trầy.
Điều quyết định chiếc kẹo cu đơ ngon chính là kỹ thuật nấu. Mật được đun thật sôi, cho một ít gừng thái nhỏ và lạc rang vào rồi khuấy đều để lạc không bị chìm xuống đáy nồi và bị cháy. Cứ khuấy đều tay đến khi nào ngửi thấy mùi thơm, người thợ làm kẹo sẽ dùng đũa lấy một ít mật nhỏ vào nước lạnh, nhìn thấy giọt mật rơi vào nước không bị bẹp và không tan loãng ra là đạt yêu cầu. Khi đó, người thợ múc hỗn hợp đã nấu và cho vào bánh tráng, nhỏ lên bề mặt một ít mạch nha cho kẹo có mùi thơm và úp lên bề mặt một lớp bánh tráng nữa là hoàn thành.
Kẹo cu đơ là sự kết hợp giữa cái giòn của lớp vỏ bánh đa bên ngoài, cái ngọt dẻo của lớp mật bên trong hòa cùng cái béo bùi của lạc rang và thoang thoảng hương thơm của gừng tươi. Ăn miếng kẹo cu đơ cảm nhận cái mềm dẻo quẹo, cái vị nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc và không thể thiếu bát nước chè xanh. Thú vui bình dị của người Hà Tĩnh là ngồi ăn cu đơ, nhâm nhi bát nước chè xanh cùng đôi câu chuyện với bạn bè, đây là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người dân ở đây.
Không có bề ngoài hấp dẫn như các loại bánh kẹo hiện đại khác, kẹo cu đơ khoác trên mình chiếc áo mộc mạc, mang nét dân dã đặc trưng của vùng đất gió Lào. Đơn giản là thế nhưng nó gói trọn cái hồn, cái tình của người Hà Tĩnh.
VnCharm
Nguồn:
Huấn Phan, Ăn kẹo cu đơ cảm nhận cái tình của người Hà Tĩnh,
http://ngoisao.net/tin-tuc/an-choi-xem