Làng nghề Đại Bái

Về Đại Bái ta cảm nhận rõ hơn sức sống mãnh liệt của làng nghề đang rộn rã vào xuân. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng gò, tiếng gõ, đục, mài… Chứng kiến không khí lao động hối hả, khẩn trương và cả sự gian lao vất vả của người thợ đồng mới thấy thấm thía, thấu hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây.

Về Đại Bái ta cảm nhận rõ hơn sức sống mãnh liệt của làng nghề đang rộn rã vào xuân. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng gò, tiếng gõ, đục, mài… Chứng kiến không khí lao động hối hả, khẩn trương và cả sự gian lao vất vả của người thợ đồng mới thấy thấm thía, thấu hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây. Từ đường Tỉnh lộ 282 dẫn vào làng, từng đoàn xe ôtô nối đuôi nhau chờ lấy hàng, từ đây các sản phẩm đồ đồng của quê hương Đại Bái toả đi khắp mọi miền đất nước. Góc sân đình, gốc đào nhỏ đang rung rinh trong gió, khoe những chiếc nụ hồng chúm chím chào đón sự đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất quê hương.

alt

Làng nghề gò và đúc đồng Bưởi hay còn gọi là Đại Bái nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống, làng có hơn 1 nghìn hộ dân với trên 600 nhân khẩu. Tiếp chúng tôi, dù công việc cuối năm khá bận rộn nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quảng không giấu nổi niềm vui phấn khởi khi thông tin cho chúng tôi về làng nghề của địa phương: “Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông phát triển, đưa sản phẩm làng nghề tới nhiều vùng miền trong cả nước và vươn ra thị trường quốc tế”. Làng hiện có hơn 30 doanh nghiệp và gần 500 hộ sản xuất các mặt hàng đồ đồng truyền thống. Trước các khó khăn của việc suy giảm kinh tế, các hộ dân trong làng đã biết cùng nhau liên kết lại để sản xuất, thực hiện làm các đơn hàng lớn, chia sẻ trong tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường sản phẩm sang các nước như: Trung Quốc, Lào… nhờ đó doanh thu của làng không ngừng tăng qua các năm, năm 2011 đạt gần 80 tỷ đồng, năm 2012, kinh tế khó khăn, xong doanh thu vẫn ước đạt 85 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm của làng rất đa dạng gồm tượng đồng, đỉnh đồng, chiêng, cồng, tranh ngũ phúc, tranh đồng quê, hoành phi câu đối… Nguyên liệu là các chất liệu quí như vàng, bạc, đồng đỏ, đồng tam khí. Để tạo nên một sản phẩm, người thợ phải thực hiện qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn, gò, mài tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ. Thậm chí, có sản phẩm người thợ phải kết hợp cả đúc, hun thì sản phẩm mới lên màu sáng bóng, bền lâu. Để tạo ra một sản phẩm kỳ công như thế nên các đồ đồng ở Đại Bái không bóng nhoáng, hào hoa mà mang một vẻ đẹp thầm kín, sang trọng theo thời gian.

Làng Đại Bái hiện có 5 nghệ nhân, thuộc đủ các thế hệ, lứa tuổi được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân bàn tay vàng”. Mỗi nghệ nhân lại có nét riêng, thể hiện chính từ những sản phẩm qua đường vẽ tinh xảo, nét chạm khắc tinh hoa hay trong tiếng gõ, tiếng gò. Có nghệ nhân trưởng thành từ gia đình, có nghệ nhân trưởng thành từ học hỏi, sáng tạo và có nghệ nhân thuộc thế hệ thanh niên, năng động. Hiện nay, làng có hàng trăm thanh niên nhiệt huyết, năng động, sáng tạo đã tự lập thân, lập nghiệp, mở cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Đây chính là lực lượng kế thừa nghề truyền thống của cha ông, làm giàu trên chính quê hương. Anh Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1979 là nghệ nhân trẻ nhất của làng nhận danh hiệu “Nghệ nhân bàn tay vàng” ở tuổi 30. Hơn 30 tuổi đời anh đã có trong tay một cơ ngơi đồ sộ mà ai nhìn vào cũng phải mơ ước. Doanh nghiệp Trung Huyền của anh tạo việc làm cho hơn 30 lao động và là địa chỉ tin cậy cho các thợ trẻ học nghề, lập nghiệp. Chia sẻ về các danh hiệu đã nhận được: “Nghệ nhân Quốc gia”; nghệ nhân “Bàn tay vàng” do Hội đồng Khoa học Công nghệ-Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quí Việt Nam trao tặng; giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” cho sản phẩm “Choé đồng chạm ngũ sắc” của mình, anh tâm sự: “Tôi rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất làng đồng và thấy bản thân phải trách nhiệm hơn nữa trong việc gìn giữ, phát triển nghề của cha ông. Danh hiệu là động lực để tôi luôn cố gắng hơn nữa, mỗi sản phẩm là kết tinh của công sức, tình cảm, đam mê của người thợ. Chính nhờ những đam mê đó mà người thợ tạo nên bản sắc riêng của làng nghề”. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái đã đi vào sản xuất, lấp đầy 2/3 diện tích, thu hút hơn 40 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đi vào hoạt động. Trong thời gian tới, khi cụm công nghiệp được lấp đầy sẽ có diện mạo mới, sản xuất tăng cả về số lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và doanh thu cho làng nghề. Về Đại Bái những ngày này, chứng kiến không khí thi đua lao động khẩn trương của người thợ mới thấy hết sự vất vả của người thợ làng đồng, và hiểu họ chính là những người mang mùa xuân về cho làng nghề quê hương.

Trước thềm năm mới, người dân làng đồng lại ấp ủ với biết bao những dự định, kế hoạch sản xuất mong ước cho một năm mới sung túc. Những khuôn mặt rạng ngời và bàn tay người thợ đang miệt mài tạo nên những sản phẩm ý nghĩa góp phần làm đẹp cho cuộc sống, đưa nghề truyền thống của quê hương ngày càng phát triển, cùng huyện Gia Bình vững bước trên con đường công nghiệp hoá-hiện đại hoá.

VnCharm

Nguồn:

http://baobacninh.com.vn/news_detail/77301/lang-nghe-dai-bai-.html

Bình luận của bạn