Bánh đa kê - chút quà dân dã người Hà Nội
Những chiếc xe rong bán bánh đa kê đi qua, để cho nhiều ánh mắt khỏi phải ngóng chờ. Vì món ăn đó là thứ quà vặt quen thuộc, không thể biến mất trong thói quen của người Hà Nội.
Người bán bánh đa kê chỉ chiếm một trong số ít những người bán những món quà vặt khác ở Hà Nội. Họ không đi nhiều và có nhiều người bán như món tào phớ, bánh trôi - bánh chay, nộm thịt bò… Họ lặng lẽ đi, và chỉ đi những con phố quen thuộc. Quen đến nỗi chẳng cần rao, cứ đúng giờ đó ra cửa ngóng chờ là thấy cô bán bánh đa kê đạp chiếc xe cũ kỹ đang dạo đến gần. Thế mà tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi biết cô bán hàng đã có 12 năm trong nghề. Gánh hàng thì vẫn nguyên như cũ, có khác chăng chỉ thay miếng thiếc xúc kê thành con dao inox, vừa dễ lấy kê, vừa cóthể cắt bánh đa. Treo trên tay lái của chiếc xe đạp là túi đựng bánh đa đã nướng giòn, phía yên sau là một cái thúng đựng đủ thứ để làm nên món quà quê: rá kê vàng ươm, chai đường kính, bát đậu xanh. 12 năm cô bán hàng vẫn đi quanh quận Đống Đa, qua con phố nào rồi thì không quay vòng lại nữa, có thèm ăn thêm miếng bánh cũng phải chờ đến sáng hôm sau.
Những hạt kê màu vàng ươm, nhỏ nhỏ như trứng cá, rơi đều trên giá theo tay cô bán kê sàng sẩy không ngờ lại làm nên món quà vặt rất ngon. Món bánh đa kê là sự tổng hòa của kê đã nấu chín rồi phết lên miếng bánh đa nướng giòn, rải thêm một lớp đậu xanh đã đồ (rồi thái tơi), lại rắc tiếp một lớp đường nữa. Cắn một miếng bánh đa kê vừa làm xong, thấy lạo xạo những hạt đường còn khô, cảm nhận ngay vị ngậy ngậy, ngang ngang của kê hòa lẫn với vị bùi của đậu xanh đã đồ. Nếu có bận chưa ăn được ngay, để chừng mươi phút nữa, miếng bánh đa thế nào cũng mềm ra, dai dai vị ngọt với đường và đậu xanh cũng tạo nên một cảm giác khoái khẩu khác, rất đặc biệt.
Những hạt kê màu vàng ươm, nhỏ nhỏ như trứng cá
Ngày trước, kê được nấu thành dạng chè lỏng, ươn ướt, ăn vào thấy mềm, dễ nuốt với trẻ con. Còn bây giờ, không hiểu vì lý do gì, mấy cô bán kê làm dạng bánh kê đặc (chắc có pha thêm chút vôi). Ăn vào thấy chắc miếng bánh, lâu chảy hơn. Cũng tùy người ăn mà thích cách làm ngày xưa hay món kê bây giờ. Chỉ biết rằng, dù thế nào thì món cũng hội tụ đủ vị mát của kê xen lẫn với vị bùi của đậu xanh, vị giòn của bánh đa quyện đều với miếng kê mềm mềm vì được chưng chín. Cây kê cũng giống như cây lúa, có mùa, có vụ. Và vì người ta thu hái kê rồi phơi khô nên có kê dự trữ cả năm, đủ để bốn mùa có món quà ngon.
Để đi theo tiếng rao là một nét văn hoá
Những món quà vặt của người Hà Nội qua bao năm tháng dường như vẫn còn được giữ gìn vẹn nguyên. Chỉ có điều tiếng rao thì nhỏ đi, và đôi khi chẳng còn nghe được tiếng rao ngày càng bé lại giữa cái ồn ào của phố xá, của xe cộ. Thế mà người Hà Nội vẫn nhận ra quà nào, món gì để gọi và nhẩn nha thưởng thức một chút thú vị của món quà vặt lúc sáng muộn, giờ nghỉ trưa hay cuối giờ chiều. Tiếng rao bánh đa kê cũng thế. Người ta chẳng còn rao như cái công thức: Ai ăn + món bán + tiếng mời kéo dài phía sau. Nhưng có sao, dù người bán bánh đa kê không khoẻ giọng và có tiếng rao ấn tượng như những người bán tào phớ, thì với miếng ngon của họ, không cần “quảng cáo” cũng có lắm người trông ngóng ngoài cửa xem cô bán hàng đã đi qua chưa.
Người nước ngoài đến Việt Nam rất thích được ngắm những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp cũ kỹ chở đầy những món ăn đặc trưng của vùng bản xứ. Với họ, đây là một nét văn hóa mang hơi thở của hồn Việt. Họ cảm thấy thích thú khi nhìn mọi người cùng quây quần bên gánh hàng rong, rồi mỉm cười sau khi trả tiền cho người bán. Với những người Việt, điều đó còn làm nên một nỗi nhớ quê nhà cho bất cứ ai đi xa xứ. Cái hương vị ngậy ngậy của kê, hay vị bùi của đậu, vị giòn của bánh đa… sẽ chẳng có món bơ hay phô- mai nào sánh được!