Mận đường Tám Hội - sản phẩm OCOP đặc trưng của Sóc Trăng
Mận đường Tám Hội ở phường 8, thành phố Sóc Trăng không chỉ khẳng định thương hiệu ở trong tỉnh mà còn nổi tiếng ở các tỉnh bạn. Người tiêu dùng hiện không còn xa lạ với loại mận đường có màu xanh, ăn vào có vị ngọt lịm và rất giòn được thực khách đánh giá là loại mận ngon nhất- ngọt nhất và giá đắt nhất miền Tây.
Mận đường Tám Hội ở phường 8, thành phố Sóc Trăng không chỉ khẳng định thương hiệu ở trong tỉnh mà còn nổi tiếng ở các tỉnh bạn. Người tiêu dùng hiện không còn xa lạ với loại mận đường có màu xanh, ăn vào có vị ngọt lịm và rất giòn được thực khách đánh giá là loại mận ngon nhất- ngọt nhất và giá đắt nhất miền Tây.
Những năm trở lại du khách, thực khách thường bắt gặp sản phẩm mận đường có màu xanh mang thương hiệu Tám Hội cùng các sản phẩm đặc trưng của thành phố Sóc Trăng tại các dịp Lễ hội trưng bày sản phẩm nông sản, Lễ hội ẩm thực đường phố - hương vị Sóc Trăng, Hội chợ nông nghiệp, đặc biệt gần đây nhất là Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2022...
Từ cuối tháng 10 âm lịch đến cuối tháng 4 âm lịch, ở gần cuối đường Phạm Hùng, phường 8, người đi đường lại thấy một vài điểm ven đường có bán trái mận đường có màu xanh, hương vị riêng, ngọt lịm, giòn rụm, khác biệt so với các loại mận khác. Đó là mận đường Tám Hội của hộ ông Lê Văn Hội và bà Trần Thị Lùng ở Khóm 7, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của thành phố được đánh giá xếp hạng OCOP đạt 3 sao và được ngành chuyên môn định hướng kết nối làm du lịch.
Theo chủ vườn mận cho biết: Trước đây, gia đình chỉ sản xuất lúa kết hợp làm vườn nhưng cây lúa thu nhập bấp bênh, còn vườn sinh lợi không cao. Từ đó, ông Hội, bà Lùng suy nghĩ đến việc chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu và đúng định hướng của thành phố Sóc Trăng về tái cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khoảng gần 20 năm trước, được người quen giới thiệu về giống mận đường khác biệt nên gia đình trồng thử. Sau 2 mùa chăm sóc, cây bắt đầu cho trái, khi chín, trái có màu xanh và bông đường, nhìn rất bắt mắt (có người gọi là mận đường bông), khi ăn có vị ngọt lịm, độ giòn và ngọt hơn so với các loại mận khác. Với chất lượng vượt trội, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 500m2 với 250 gốc trong đó có khoảng 150 gốc mận, sản lượng đạt 2 đến 3 tấn trái/ mỗi đợt (mỗi năm thu hoạch 3-5 đợt trong 6 tháng mùa nắng). Vào đợt thu hoạch rộ, mỗi ngày hái vài trăm ký, cung ứng ra thị trường nhưng vẫn cháy hàng. Thương lái đến tận vườn thu mua và bán ra thị trường với giá dao động 80.000 đồng đến trên 100.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Lùng chia sẻ: Sản phẩm mận đường Tám Hội được sản xuất, chăm sóc theo quy trình VietGap, theo hướng sinh học, và được chứng nhận đạt OCOP 3 sao nên được nhiều biết đến, hiện khách hàng, thương lái biết và đặt hàng nhiều lắm. Bên cạnh đó cũng đón lượng khách gần xa đến tham quan và thưởng thức tại vườn.
Trong quá trình chăm sóc từ khi ra trái đến thu hoạch, chủ vườn mạnh dạn đầu tư nhà lưới phủ diện tích trồng mận và áp dụng sản xuất theo hướng VietGap, sử dụng chế phẩm sinh học, và dùng thuốc dẫn dụ và bẫy diệt côn trùng, nhất là ruồi đục trái, bảo vệ tốt sản phẩm mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi trái, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong năm 2022, nhà vườn mạnh dạn đầu tư làm thêm 2.000m2 diện tích nhà lưới để hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt do côn trùng tấn công. Bên cạnh đó trong suốt quy trình sản xuất, nhà vườn áp dụng công tưới tiêu bằng hệ thống tưới gốc điều kiển bằng Smartphone nên sản phẩm làm ra có chất lượng vượt trội, có độ ngọt, ngon. Ngoài ra sản phẩm còn được hỗ trợ truy xuất bằng mã vạch, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, do đó khi đến tay người tiêu dùng hay tại các cửa hàng, siêu thị, sản phẩm được đón nhận bằng uy tín và chất lượng do mỗi sản phẩm, lô hàng đều có tên thương hiệu, tem truy xuất và tem chứng nhận OCOP. Đến nay sản phẩm mận đường Tám Hội đã có mặt hầu hết thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và cả thị trường Hà Nội.
Quản lý nhà hàng Ngôi sao nhỏ thành phố Sóc Trăng Trần Yến Ngọc cũng bày tỏ, trong thời gian qua, nhà hàng có sử dụng sản phẩm mận đường Tám Hội để đưa vào thực đơn làm món tráng miệng, thực khách đã phản hồi tích cực và có nhu cầu tìm hiểu. Thời gian tới, nhà hàng sẽ liên kết với chủ vườn để đưa khách đến trải nghiệm tham quan, hái mận và thưởng thức đặc sản mận đường tại vườn.
Chị Lương Thị Diễm (ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Được người quen giới thiệu và xem trên YouTube, tôi đã không ngại đường xa đến tận vườn mua ăn thử, cảm nhận rất ngon và hương vị rất đặc biệt khác xa với các loại mận tôi từng ăn. Vì vậy, tôi đã mua giống về trồng luôn.
Ông Huỳnh Hoài Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng - nhấn mạnh, thời gian tới, chúng tôi hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm từng bước giúp cho cơ sở, sản suất nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích trồng, thay đổi tập quán cũ sang ứng dụng số hóa và sản xuất, đánh dấu mã vùng, tạo thương hiệu lan tỏa, kết nối với các vùng lân cận trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của thành phố Sóc Trăng từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Ngoài việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ tưới tiêu tiên tiến và đưa sản phẩm mận đường lên sàn giao dịch thương mại điện tử Sóc Trăng, ngành nông nghiệp thành phố cũng sẽ làm cầu nối cho các công ty lữ hành, các điểm du lịch trên địa bàn kết nối với vườn mận đường Tám Hội để tạo nên sản phẩm du lịch sinh thái, đưa khách đến tham quan, hái và thưởng thức mận đường OCOP 3 sao tại vườn. Đây là hướng đi bền vững của mô hình nông nghiệp đô thị, vừa làm kinh tế, vừa tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch Sóc Trăng.