Đồ chơi truyền thống làm xao lòng người trẻ
Hình ảnh Trung Thu thời ấu thơ trong bạn là gì? Đó có phải là ánh sáng lấp loáng trên giấy bóng màu sắc từ những chiếc đèn ông sao, mặt nạ Thủy Thủ Mặt Trăng 1-2k/ chiếc vẫn còn ám mùi nhựa, những con chó trắng làm từ múi bưởi với đôi mắt đen láy, quả hồng ngâm vàng rộm bày ra trong bữa trông trăng hay miếng bánh nướng bánh dẻo thời "nhà mình còn nghèo" chỉ có đậu xanh nhân trứng muối….
Hình ảnh Trung Thu thời ấu thơ trong bạn là gì? Đó có phải là ánh sáng lấp loáng trên giấy bóng màu sắc từ những chiếc đèn ông sao, mặt nạ Thủy Thủ Mặt Trăng 1-2k/ chiếc vẫn còn ám mùi nhựa, những con chó trắng làm từ múi bưởi với đôi mắt đen láy, quả hồng ngâm vàng rộm bày ra trong bữa trông trăng hay miếng bánh nướng bánh dẻo thời "nhà mình còn nghèo" chỉ có đậu xanh nhân trứng muối….
Tất cả tạo nên những ký ức thật đẹp và đơn sơ về Trung Thu trong tiềm thức của rất nhiều người trẻ Việt Nam hiện tại.
Cũng hẳn vẫn trong trí nhớ nhiều bạn, Trung Thu mấy năm gần đây đã "màu mè" và rất… khác so với ngày còn nhỏ. Nói đến đây các bạn đừng vội bực mình nhé, không phải chúng tôi lại muốn "lên án" về sự thay đổi của ngày lễ này đâu, suy cho cùng, thay đổi để hợp hơn với tâm lý chung của giới trẻ cũng chẳng sai. Nhưng chỉ là, ngày Trung Thu sẽ là gì nếu chỉ có gậy hình chiếc búa, kính mắt nhiều màu và tóc giả lòe loẹt?
Nghĩ như vậy nên đến Trung Thu năm nay, chẳng ai nghĩ đồ chơi truyền thống sẽ "có cửa". Ấy thế mà, lượn một vòng quanh phố Hàng Mã, bên cạnh những đồ chơi Trung Quốc, kiếm, gậy đủ hình thù,… vẫn xuất hiện lấp lánh những chiếc đèn ông sao, những chiếc mũ lân, mặt nạ giấy hình chú Tễu đủ màu sắc, rồi thì những tiếng trống rộn ràng từ những người bán hàng rong phát ra từ tứ phía. Lạc giữa phố Trung Thu Hàng Mã lúc này, chúng tôi mới "thở phào": Ra là Trung Thu vẫn còn đây.
Đồ chơi truyền thống tìm đường trở lại
Phố Hàng Mã năm nay, cũng giống như Trung Thu mọi năm, ngập tràn màu sắc của đủ loại đồ chơi, đồ hóa trang. Nói nghe thì bi quan là vậy thôi, nhưng ngay khi chúng tôi vừa gửi xe để bước chân vào khu phố đông nhất Hà Nội dịp này, phải có đến 4-5 bạn trẻ trên tay cầm những chiếc đèn ông sao đang tươi cười cùng nhau chụp ảnh. Cũng không nhiều so với những bộ tóc giả đỏ rực nhấp nhô đi giữa đám đông trên phố, nhưng chẳng phải đó cũng là một điều đáng mừng đó sao.
Đấy là ở đầu phố thôi, càng vào trong, chúng tôi càng thấy nhiều hơn những bạn trẻ đang cầm trên tay một món đồ chơi truyền thống nào đó. Những em nhỏ được bố mẹ dắt đi mua đồ chơi đang thích thú đội lên đầu một chiếc đầu lân nhỏ bằng bìa. Có những bé nhỏ hơn, bố mẹ còn ẵm trên tay đi tìm mua bằng được một chiếc đèn ông sao bé xinh. Mọi người, hình như đều lo sợ Trung Thu vuột khỏi tay và cũng đều đang cùng giữ cho ngọn lửa ngày Trung Thu âm ỉ cháy.
Và càng đi sâu vào trong đoạn phố Hàng Mã mới thấy được vẻ đẹp của những món đồ chơi truyền thống. Những cô hàng bán đèn lồng, đèn ông sao hay đèn kéo quân xanh đỏ đủ màu là nổi bật nhất, chỉ đi 4-5 bước lại thấy một người. Cả những sạp hàng nhỏ bán trống bỏi với những cô bán hàng luôn tay quay trống tạo ra những âm thanh rộn ràng vui tai, và có rất nhiều những sạp hàng chỉ bán riêng đầu lân, đầu sư tử, mặt nạ chú Tễu. Dường như, ngay đến cả người bán hàng cũng cùng muốn chung tay đưa Trung Thu quay về với đúng ý nghĩa ban đầu.
Có lẽ phải dành một lời khen cho sự lay động của truyền thông những năm trước, khi đưa rất nhiều tin về sự thay đổi chóng mặt của ngày lễ Trung Thu. Có phải vì vậy mà các bạn trẻ bắt đầu nhận ra những giá trị đích thực của ngày lễ này? Có phải vì vậy mà người lớn bỗng giật mình vì sợ con em mình không được biết Trung Thu thật sự là gì và cũng có phải vì vậy mà nụ cười của những bác bán hàng đồ chơi truyền thống ấm áp, hồn hậu nhờ bán đắt hàng hơn năm trước?
Thưởng thức ngày Trung Thu đúng nghĩa
Mấy ngày gần đây, báo đài bỗng đăng tin nhiều hơn về một hàng bánh Trung Thu truyền thống nọ đông khách đến mức, khách phải xếp một hàng dài vài ba tiếng đồng hồ chỉ để mua 2 chiếc bánh Trung Thu. Người chê hâm, người nói dở hơi, ai nghe xong cũng lắc đầu cười, chỉ vì 2 cái bánh Trung Thu mà khổ sở vậy, không đáng!
Ừ thì đúng là cũng chẳng đáng thật, nhưng hình như, bên cạnh những người đến mua vì tò mò, vì "sính", phần nhiều đều mong muốn lại được thưởng thức hương vị món bánh Trung Thu đúng nghĩa. Bánh Trung Thu của những ngày còn nhỏ, nhìn chẳng màu mè gì, hương vị cũng đơn sơ mà cứ phải nhớ đến mãi sau này. Bánh Trung Thu bây giờ, nhiều mà chẳng đâu giữ được sự giản dị đấy nữa, nào thì bánh trà xanh, bánh cafe nhân trứng muối, rồi bánh Trung Thu chocolate hay thậm chí là nhồi đủ thứ sơn hào hải vị, bào ngư vi cá vào bên trong, nhưng chẳng ai thấy ngon như miếng bánh nướng nhân đậu xanh với nửa miếng trứng muối tí tẹo mà ngày bé được ăn. Xếp hàng 2-3 tiếng để đổi lại vài phút quay lại Trung Thu tuổi thơ, với nhiều người thì như vậy cũng đáng.
Lại vì miếng bánh Trung Thu mà nhắc tới chuyện đồ chơi, người viết cứ nghĩ mãi. Năm nay đồ chơi truyền thống đang dần quay lại rồi, có cơ may nào khi sang mùa Thu năm sau, chúng ta thấy phố Hàng Mã rực rỡ một màu chỉ đèn ông sao, chỉ đèn kéo quân, chỉ rộn ràng tiếng trống hay không? Hay sẽ có những hàng đồ chơi Trung Thu truyền thống, cũng được bố mẹ các bé, được những bạn trẻ xếp hàng dài để mua những chiếc đèn vừa dán, những chiếc mặt nạ chú Tễu còn thơm mùi giấy mới, mùi sơn màu. Để rồi người lớn sẽ quay trở lại tuổi thơ, còn trẻ nhỏ được reo những ký ức thật dịu dàng về ngày Trung Thu đúng nghĩa.
Cũng biết là sẽ khó, nhưng chúng ta cũng có quyền nghĩ đến lúc đấy chứ, như người viết vừa ngước lên nhìn giữa phố đông, thấy hai cô bé đèo nhau trên xe máy, trên tay cầm chiếc đèn ông sao và đôi mắt thì lấp lánh niềm vui được quay lại ngày nhỏ. Dường như, chính các bạn trẻ cũng đã tìm lại được tình yêu ngây thơ với những món đồ chơi chẳng hào nhoáng này, và cũng tìm lại được sự vui vẻ, ấm áp đúng như ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu.
VnCharm
(Trí thức trẻ)