Hàng mỹ nghệ độc đáo ở xứ dừa Bến Tre
Quả dừa có công dụng chính là lấy nước, cùi làm giải khát, thạch, sinh tố, bánh, mứt, ... Ngoài ra, vỏ quả dừa, xơ dừa, mùn dừa làm than, phân hữu cơ… Lá dùng để làm chất đốt, đan mành phơi bánh tráng, làm bánh rau mơ,... Đặc biệt là gỗ và rễ dừa dùng làm hàng mỹ nghệ.
Từ rễ dừa, nhờ những hình thù tự nhiên ngộ nghĩnh, “kỳ quái”, các nghệ nhân cho ra đời những tác phẩm hết sức sinh động. Nào là hình gương mặt ông tiên có bộ râu dài, mái tóc “chổi chà” của người đàn ông nghệ sĩ phong trần hay chú nhím lông xù tự vệ…
Riêng với gỗ dừa già, có thể làm được nhiều thứ như ván nhà, bàn ghế và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Để gỗ không bị mối mọt gặm nhấm, người ta đem ngâm dưới nước chừng 30 ngày. Bởi trong thân gỗ có chất nước, chát làm cho mối, mọt thích thú tìm đến nên ngâm cho chất ấy đi mất. Ngoài ra, với nguồn nước đục ngầu phù sa thấm vào làm cho gỗ dừa chắc, vân bóng và sáng.
Thường cây dừa có tuổi thọ từ 50 năm trở lên mới được dùng làm gỗ. Từ những mảnh vụn của gỗ dừa, các nghệ nhân không vội bỏ đi mà sử dụng để làm hàng mỹ nghệ cao cấp. Ở các khu du lịch, siêu thị trong cả nước, người ta bắt gặp nhiều hàng mỹ nghệ được làm từ gỗ dừa như: Túi xách, xe xích lô, chuột Mickey, phong cảnh… Không chỉ để là quà lưu niệm, dừa có thể sử dụng sinh hoạt trong đời sống hằng ngày khi kết hợp từ gỗ và gáo dừa: Gáo múc nước, đũa, giá xới cơm, muỗng, túi xách, lọ hoa…
Dừa đã sang trang mới khi bước ra thế giới. Nhiều du khách ngoại quốc đi du lịch sinh thái tại Việt Nam, nhất là khu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long rất thích hàng mỹ nghệ từ dừa. Lạ, đẹp, nhẹ, chắc và sáng bóng. Họ không ngần ngại mua về làm quà cho gia đình và người thân. Điều đáng mừng hơn cho người dân nông thôn khi hàng mỹ nghệ từ dừa được xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho mọi người ở địa phương.