Tìm lại "hồn gốm" Biên Hòa ở xứ Đồng Nai
Trong lịch sử phát triển trăm năm của mình, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai và cũng là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Biên Hòa sống dọc theo cù lao Tân Vạn, sông Đồng Nai. Tuy vậy, đến nay làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi và danh tiếng của gốm cũng phai nhạt dần. Trước thực trạng đó, những người yêu gốm, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tìm lối ra cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai.
Làng nghề gốm sống thoi thóp vì chậm trễ thực hiện chính sách
Gốm mỹ nghệ Biên Hòa một thời nổi tiếng khắp vùng, hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20. Đặc trưng nổi bật của gốm Biên Hòa là kết hợp men tro và chất tạo màu từ hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Bởi vậy, các sản phẩm gốm Biên Hòa mang tính thẩm mỹ cao được nhiều nước trên thế giới ưa thích, đặt hàng, đã xuất sang gần 30 nước trên thế giới. Thế nhưng trong hơn mười năm trở lại đây do những khó khăn về thị trường, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như sự thiếu hụt về lao động, chậm trễ trong cơ chế chính sách đang khiến nghề gốm truyền thống phải đối mặt với không ít những thách thức khó khăn.
Theo các chuyên gia, gốm Biên Hòa mang giá trị lớn về văn hóa và kinh tế. Đây là một trong những ngành nghề truyền thống có giá trị gia tăng cao nhất. Bởi từ khâu tạo mẫu, nguyên liệu đến sản xuất đều có sẵn tại địa phương. Nhưng từ cuối thế kỷ 20, gốm Biên Hòa bắt đầu chựng lại và đầu thế kỷ 21 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm dần. Nguyên nhân chính khiến nghề gốm sút giảm do sức cạnh tranh yếu vì nguyên liệu sản xuất là đất sét cao lanh, đất đen, phí vận chuyển tăng cao. Các lò nung gốm nằm trong khu dân cư không được đốt bằng củi khi chuyển qua đốt bằng gas, dầu màu men không được đẹp nên khách không ưa chuộng. Những vấn đề trên đã khiến cho hợp đồng đặt hàng từ những đối tác nước ngoài với gốm Đồng Nai giảm dần.
Một nguyên nhân khác khiến nghề gốm truyền thống Biên Hòa gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua xuất phát từ sự chậm trễ khi thực hiện chính sách di dời các cơ sở sản xuất gốm vào Cụm gốm Tân Hạnh. Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2003 tỉnh quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm vào cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường nên nhiều cơ sở không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất vì ngại sẽ sớm phải di dời. Tuy nhiên sau 10 năm, tỉnh mới hoàn thành hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để di dời các cơ sở gốm vào. “Cả một thời gian dài phải chờ đợi di dời, khi di dời nhiều thủ tục rườm rà, hỗ trợ vốn không đủ để đầu tư nhà xưởng mới nên hơn 60% doanh nghiệp, cơ sở gốm đã đóng cửa, hiện chỉ còn hơn 30 cơ sở” – một đại diện Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết.
Ngoài ra, gốm Biên Hòa sa sút còn do nguồn lao động suy giảm, nhất là lao động tay nghề cao. Vì nghề gốm vất vả, thu nhập không cao nên nhiều người đã chuyển nghề.
Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2000, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 triệu USD/năm thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở với doanh thu xuất khẩu đạt chưa đầy 1 triệu USD. Hiện nay, khi hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã được hoàn thành thì các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn về thủ tục đất đai cũng như chi phí hỗ trợ khi di dời.
Ngoài khó khăn về việc di dời địa điểm sản xuất, nghề gốm truyền thống còn phải đối mặt với những khó khăn về công nghệ sản xuất, thiếu lao động có tay nghề cao và bị cạnh tranh quyết liệt bởi các sản phẩm gốm giá rẻ của Trung Quốc. “Để đào tạo được một thợ gốm lành nghề phải mất từ 10 năm trở lên, tuy nhiên do thu nhập thấp nên hiện chẳng mấy người mặn mà học và theo nghề” – một doanh nghiệp sản xuất gốm tại P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa – cho biết.
Làm gốm kết hợp du lịch để giữ nghề
Trước thực trạng khó khăn hiện nay của nghề gốm truyền thống, ông Vòng Khiềng – Tổng thư ký Hiệp hội gốm Đồng Nai cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh vào Cụm công nghiệp gốm sứ là cần thiết và TP. Biên Hòa cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Khiềng, để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống không thể biến làng nghề truyền thống trở thành một khu công nghiệp nhỏ mà phải có một mô hình tổ chức phù hợp với bản chất làng nghề.
Từ đó, ông Khiềng đề xuất sau khi di dời thì sẽ thực hiện xây dựng “Làng nghề sản xuất gốm kết hợp văn hóa, du lịch”. Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh gốm sẽ cần phải hợp tác thành lập một công ty cổ phần hoặc xây dựng một hợp tác xã (thành viên là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh gốm trong cụm, nghệ nhân).
“Công ty cổ phần hoặc hợp tác xã sẽ lo phần kinh doanh, thị trường, tiếp thị và thiết kế mẫu mã sản phẩm chung cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hay nói cách khác, đầu mối này sẽ lo đầu vào và đầu ra để các doanh nghiệp chú tâm vào sản xuất sản phẩm có chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh” - ông Khiềng phân tích.
Đối với các nghệ nhân, thợ giỏi hoạt động tự do, ông Khiềng cho biết, sẽ được tạo điều kiện tự nguyện hợp tác vào làm việc trong một xưởng sản xuất phù hợp. Điều này vừa giúp họ tiếp tục sáng tạo, giữ gìn tinh hoa các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa làm ra những sản phẩm giá trị cao, thu nhập tốt vừa là nơi những người thợ trẻ có thể học tập nâng cao tay nghề. Xưởng sản xuất của các nghệ nhân này cũng sẽ là nơi tham quan thú vị cho du khách để phát triển du lịch.
Cũng cho rằng để phát triển bền vững nghề gốm truyền thống cần kết hợp sản xuất với du lịch, ông Vũ Đình Trung - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai phân tích, việc xây dựng điểm du lịch làng nghề sẽ mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ cho sản phẩm truyền thống. “Khi đến tham quan doanh nghiệp sản xuất gốm, du khách có thể thấy không khí nhộn nhịp, tất bật của hoạt động sản xuất và sáng tạo nghệ thuật. Tại đây, du khách cũng có thể trải nghiệm tự tay làm riêng cho mình những sản phẩm nghệ thuật. Hoạt động du lịch làng nghề cũng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc “xuất khẩu tại chỗ” các mặt hàng làm từ gốm cho du khách. Do đó, việc gắn kết làng gốm với phát triển du lịch là một trong những giải pháp tích cực, là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”, ông Trung cho hay.
Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, tính đến cuối năm 2017, đã có 29 đơn vị triển khai đầu tư xây dựng trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Trong đó, có 13 đơn vị đã xây dựng xong nhà xưởng, 10 đơn vị đang xây dựng nhà xưởng, 2 đơn vị đã xây hàng rào và 4 đơn vị đã tiến hành san lấp mặt bằng. Ngoài ra, còn có 8 đơn vị đang triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để đầu tư xây dựng và di dời hoạt động sản xuất vào Cụm.