Đường thốt nốt: Sản phẩm quen mà lạ của người An Giang
Khi nhắc đến cây thốt nốt, thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các sản phẩm quen thuộc như trái, nước, đường, rượu… Nhưng ấn tượng nhất là đường thốt nốt.
Từ sản phẩm đường thốt nốt truyền thống mà người dân An Giang đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nổi tiếng là địa phương nuôi cá da trơn lớn nhất và trọng điểm trồng lúa của miền Tây Nam Bộ. Xưa nay xứ Bảy Núi An Giang còn nổi tiếng với cây thốt nốt.
Là loại cây chỉ kết tinh hương thơm và vị ngọt vào mùa nắng. Từ bao đời nay thốt nốt đã trở thành nguồn sống cho biết bao lớp cư dân vùng biên Bảy Núi. Từ cây thốt nốt người dân đã làm ra nhiều món ăn ngon, về sau trở thành đặc sản mang tính vùng miền như món bánh. Bánh thốt nốt là sự kết hợp hài hòa giữa bột gạo, bột trái thốt nốt chín và đường thốt nốt. Bánh thơm ngon và có mùi vị ngọt thanh.
Mùa thốt nốt ở Bảy Núi An Giang tuy không rộn ràng hối hả như mùa thu hoạch lúa nhưng cũng tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người. Về Bảy Núi đúng mùa thu hoạch, du khách sẽ cảm nhận được hương thơm thốt nốt tỏa ra từ những mẻ đường đang chuẩn bị ra lò.
Nghề nấu đường thốt nốt có nguồn gốc từ nghề truyền thống của bà con dân tộc Khmer. Nhờ sự cộng cư lâu đời mà nghề nấu đường thốt nốt nay cũng trở thành nghề truyền thống của người Kinh nơi đây.
Mùa thốt nốt đơm bông kết trái cũng là thời điểm bắt đầu có việc, công việc lấy nước đòi hỏi người dân phải biết leo trèo. Hàng ngày bất kể nắng hay mưa công việc vẫn diễn ra đều đặn, cao điểm là khoảng thời gian từ tháng chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Bởi đây là thời điểm cây thốt nốt cho nước nhiều nhất. Lúc này người người nhà nhà đều trannh thủ leo cây lấy nước. Sự chăm chỉ của họ tạo nên bức tranh cuộc sống thấm đẫm hương vị quê nhà.
Ở An Giang hiện nay huyện Tri Tôn và Tịnh Biên là 2 địa phương trồng nhiều thốt nốt nhất. Nghề nấu đường thốt nốt nơi đây cũng được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Hiện nay toàn vùng cung ứng hơn 8.000 tấn đường thốt nốt ra thị trường. Nhờ thốt nốt mà nhiều hộ dân đã có cuộc sống ổn định và cuộc sống khấm khá hơn.
Nghề làm đường tập trung nhiều nhất ở ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ theo mô hình truyền thống đáp ứng nhu cầu mới về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, những cư dân Bảy Núi mạnh dạn quyết đoán đã chuyển đổi công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tạo được mối liên kết tốt từ việc cung ứng nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm ra thị trường.
Ngày nay món quà quê xứ Bảy Núi đã dần được nhiều người biết đến. Đường thốt nốt đã không còn quẩn quanh ở các chợ truyền thống ở quê nhà, mà những thương hiệu lớn còn vươn xa tới thị trường xuất khẩu. Như cơ sở Lan Nhi dẫn đầu trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối 200 hộ sản xuất đường thô tạo nên chuỗi liên kết nâng cao được giá trị cho đường thốt nốt. Không chỉ là nghề thế mạnh của vùng, sản xuất đường thốt nốt còn được xem là ngành chủ lực của tỉnh An Giang.
(Ảnh minh họa của cơ sở sản xuất Lan Nhi)
Đường thốt nốt Thảo Hương được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao, loại hình sản phẩm được cải tiến từ dạng viên nén, dạng bột tiện ích. Quy cách đóng gói nhỏ từ 100-500gram giúp sản phẩm đi vào được từng ngõ ngách thị trường. Hơn nữa doanh nghiệp còn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP cho quy trình sản xuất, giúp sản phẩm tiếp cận nhanh thị trường quốc tế. Đó chính là sự chuyển động mạnh mẽ của nghề truyền thống đường thốt nốt của An Giang.
Ngoài sản phẩm đường, những sản phẩm tiềm năng như nước màu thốt nốt, mứt thốt nốt cũng đang hấp dẫn người tiêu dùng. Đường thốt nốt Ang Giang nay quen mà lạ, quen vì hương vị đã không còn xa lạ khẩu vị người tiêu dùng nội địa, lạ vì người làm nghề đã biết đổi mới tạo điều kiện cho hương vị ấy còn đi xa hơn nữa.
Từ hương vị loanh quanh nhà bếp đến sản phẩm quy chuẩn hôm nay là một quá trình dài kết tinh từ tinh thần lao động cần cù và tâm huyết lớn của cư dân Bảy Núi. Tin rừng hương cây thốt nốt, vị ngọt thốt của An Giang sẽ còn lan tỏa đi rất xa.