Gạo Tám Hải Hậu và câu chuyện thương hiệu gạo Việt
Huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) là vùng đất có thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt nơi đây có loại gạo Tám xoan nổi tiếng, thời phong kiến được dùng để tiến vua.
Thế nhưng, hiện nay gạo Tám Hải Hậu đang phải đối mặt với việc bị làm giả, khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất, tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Những khó khăn của gạo Tám Hải Hậu cũng phần nào lý giải nguyên nhân Việt Nam chưa xây dựng được các thương hiệu gạo chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Mong manh hạt gạo tiến vua
Một ngày đầu thu, chúng tôi về huyện Hải Hậu, hai bên đường là màu xanh ngát của những ruộng lúa đang đến kỳ trổ đòng. Từ đây, những hạt gạo trắng thơm đã có mặt trong bữa cơm của các gia đình người Việt. Hiện huyện Hải Hậu đang trồng 10.394ha lúa với tổng sản lượng gạo năm 2015 đạt 131.435 tấn, trong đó, chủ yếu là các giống lúa Bắc thơm số 7 (Bắc hương), Nhị ưu, BC15. Có xuất xứ từ huyện có truyền thống sản xuất lúa gạo nổi tiếng của miền Bắc nước ta, song càng ngày, hạt gạo Tám Hải Hậu càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, cho biết: “Người nông dân huyện Hải Hậu chỉ băn khoăn nhất là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Gạo sản xuất ra hầu hết chỉ bán cho thương lái nên tình trạng được mùa bị ép giá vẫn xảy ra thường xuyên”.
Khảo sát tại một số đại lý bán gạo tại TP Hà Nội, chúng tôi thấy, tuy cùng một giống Bắc thơm số 7 nhưng giá gạo trồng tại một số địa phương khác thường thấp hơn giá của gạo Hải Hậu. Ví dụ như, gạo Bắc hương Hải Hậu có giá khoảng 16.000-17.000 đồng/kg thì gạo Bắc hương Thái Bình chỉ có giá khoảng 13.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều năm qua đã xuất hiện tình trạng nhái nhãn hiệu gạo Hải Hậu, mặc dù đó vẫn là giống lúa Bắc thơm số 7 nhưng lại được trồng ở các địa phương khác. Người bán sử dụng bao bì ghi tên “Gạo Tám Hải Hậu”, nhưng thực chất bên trong bị trộn một phần hoặc 100% là gạo có xuất xứ từ một số huyện khác của Nam Định như: Giao Thủy, Xuân Trường... thậm chí là tỉnh khác. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của gạo Hải Hậu. Trong lúc đó, gạo Hải Hậu cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều loại gạo ngon khác trên thị trường. Bà Đỗ Thị Vẻ (55 tuổi), chủ một đại lý gạo ở phố Nguyễn Thiếp, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho chúng tôi biết, gạo Tám Hải Hậu tuy có thương hiệu từ xưa nhưng hiện nay trên thị trường có nhiều loại gạo cũng có chất lượng cao, trong đó có gạo Tám Thái nhập khẩu... được khách hàng ưa chuộng.
Thêm vào đó, diện tích trồng các loại gạo đặc sản của Hải Hậu cũng đang giảm dần. Cụ thể như, Tám xoan Hải Hậu là loại gạo nổi tiếng có đặc điểm hạt gạo dài, thon nhỏ, có màu trong xanh, mùi thơm dịu tự nhiên, nấu thành cơm sẽ có mùi hương đặc trưng, hạt cơm dẻo, dai, ăn vào không có cảm giác bị đầy bụng. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa Tám xoan (lúa cao cây) đã bị thu hẹp chỉ còn 1/5 so với 5 năm trước và chỉ còn được trồng trên địa bàn xã Hải Đường, huyện Hải Hậu với diện tích khoảng 30ha, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha. Với diện tích trồng ít, gạo Tám xoan được thu hoạch sau tháng 11 nhưng đến sau Tết Nguyên đán gần như không còn, gạo làm ra chỉ đủ để người dân Hải Hậu sử dụng hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Do đó, dễ hiểu khi không ít bà nội trợ lại gặp phải tình trạng, khi mua gạo Tám xoan về hạt gạo có mùi rất thơm, nhưng khi nấu thì không còn giữ được mùi thơm hoặc để cất trong thùng vài ngày thì mùi thơm bị mất dần. Muốn mua được loại gạo “chính hiệu” rất khó.
Lý giải về điều này, ông Trần Văn Thiệm, Chủ tịch UBND xã Hải Đường, cho biết: “Gạo Tám xoan là đặc sản nhưng có năng suất thấp, thu nhập không bảo đảm nên người dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Trên thị trường, các chủ cơ sở làm nhái gạo Tám xoan bằng cách chọn gạo có cùng hình dáng, sau đó dùng lá cây lúa Tám xoan chà xát, nhằm tạo mùi thơm. Do đó, người tiêu dùng khó phân biệt được gạo nhái”. Điều này đang góp phần làm mất đi một trong những thương hiệu gạo đặc sản của Việt Nam và đẩy người tiêu dùng về phía các loại gạo khác.
Cần những vùng sản xuất lớn
Nhằm tạo ra một thương hiệu gạo uy tín, huyện Hải Hậu đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi tại 15 xã. Là địa phương có phần lớn dân số làm nghề nông, Hải Hà là một trong những xã đi đầu về việc liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân từ tháng 3 năm nay. Doanh nghiệp phối hợp với nông dân thực hiện chuỗi sản xuất khép kín trên diện tích khoảng 30ha. Công ty sẽ cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho người dân. Cùng với đó, công ty tổ chức tập huấn kỹ thuật và giám sát chặt chẽ quá trình sinh trưởng của cây lúa bảo đảm sinh trưởng tự nhiên, sản lượng, chất lượng cao. Đồng thời, doanh nghiệp hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy cách, yêu cầu trong 20 ngày trước khi thu hoạch không được sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Ông Nguyễn Hồng Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện thí điểm mô hình này tại hai xóm: 11 và 12. Toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được công ty Toản Xuân thu mua ngay tại ruộng với giá cam kết cao hơn thị trường hiện tại từ 8-10%. Tháng 10 tới đây, chúng tôi sẽ thu hoạch vụ đầu tiên”.
Sau khi được doanh nghiệp thu mua, sản phẩm sẽ mang nhãn hiệu gạo Hải Hậu, có chỉ dẫn địa lý tới từng hộ sản xuất và được bán tại các cửa hàng của công ty. Đây sẽ là những địa chỉ bán gạo Hải Hậu uy tín. Sản phẩm gạo sẽ phải bảo đảm khép kín từ khâu gieo trồng đến khi được bán ra. Việc này giúp cho nhãn hiệu gạo Tám Hải Hậu được bảo hộ tốt hơn. Ông Vương cũng cho biết, nếu mô hình hiệu quả, sẽ tập trung mở rộng tới từng xóm trong xã.
Để có thể liên kết sản xuất theo chuỗi thì cần phải có những vùng sản xuất lớn. Thế nhưng, theo ông Vũ Văn Triển, vấn đề này ở huyện Hải Hậu thực hiện còn chậm gây ảnh hưởng tới việc hình thành vùng sản xuất lớn. Lý do chính là bởi người dân chưa có việc làm nào khác, nên vẫn phải bám vào mảnh ruộng nhỏ đã được cấp.
Từ thực trạng đó, chính quyền huyện Hải Hậu đã xác định cần thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất giày da, may mặc. Hiện nay, tại xã Hải Phượng có Nhà máy may Sông Hồng thu hút được 2.500 công nhân. Dự kiến, trong thời gian tới, Công ty giày da Anh Vàng sẽ được xây dựng với quy mô lớn, có thể giải quyết việc làm cho 4.000 công nhân. Khi lực lượng lao động trong nông nghiệp đã được giải phóng sẽ tạo cơ sở để liên kết sản xuất. Chính quyền tỉnh Nam Định cũng cần nghiên cứu phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi các cửa hàng bán gạo Tám Hải Hậu chính hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Có như vậy mới tăng được giá trị hạt gạo và nâng cao thu nhập cho nông dân.