Tan Lả nếp dẻo thơm Tú Lệ
Phố núi Tú Lệ nhỏ xinh như một nhành phong lan rừng. Ôm ấp phố Tú Lệ là ngút ngút núi Khau Thán, Khau Soóng, Khau Phạ bồng bềnh mây trắng. Thềm phố là cánh đồng rộng lớn trải dài theo dòng suối Nậm Lùng đêm ngày rì rào hát bài hát xửa xưa của suối đá. Chính cái cánh đồng phì nhiêu bên dòng suối Nậm Lùng này, chẳng biết tự bao giờ, đã sinh nở giống lúa nếp Tan Lả - một giống lúa nếp quý hiếm bậc nhất vùng Tây Bắc, để cho bao người được thưởng thức món nếp Tan Lả thơm dẻo lạ lùng.
Phố núi Tú Lệ nhỏ xinh như một nhành phong lan rừng. Ôm ấp phố Tú Lệ là ngút ngút núi Khau Thán, Khau Soóng, Khau Phạ bồng bềnh mây trắng. Thềm phố là cánh đồng rộng lớn trải dài theo dòng suối Nậm Lùng đêm ngày rì rào hát bài hát xửa xưa của suối đá. Chính cái cánh đồng phì nhiêu bên dòng suối Nậm Lùng này, chẳng biết tự bao giờ, đã sinh nở giống lúa nếp Tan Lả - một giống lúa nếp quý hiếm bậc nhất vùng Tây Bắc, để cho bao người được thưởng thức món nếp Tan Lả thơm dẻo lạ lùng.
Sánh hàng cùng với nếp Cái Hoa Vàng, nếp Than, nếp VS100, nếp Làng, nếp Cam, nếp Phu Than, nếp Lang Liêu, vv. hạt cơm nếp Tan Lả trắng tươi, tròn mọng như tép bưởi Khả Lĩnh, dẻo mà không dính tay, mùi thơm dịu ngọt không chỉ ở nơi khứu giác mà cảm nhận đâu khắp các ngũ quan, cứ ngân ngấn mãi không dứt. Là bởi, lúa nếp Tan Lả được sinh nở ở thung lũng Tú Lệ trên một nền đất hiếm, có tầng phong hóa mỏng, cấu tượng của đất tơi xốp dễ thấm nước, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, không khí se lạnh, nồng độ ka-li cao... hợp thành yếu tố quan trọng làm nên chất Ami-nôtécpin - chất quyết định sự thơm dẻo lạ lùng của nếp Tan Lả. Khoa học khẳng định thế. Còn dân gian thì bảo rằng nếp Tan Lả là do Then (ông Trời) ban tặng cho người Thái Tú Lệ vốn đẹp người đẹp nết. Nếp Tan Lả lại được sinh nở nơi núi rừng hoang sơ mát mẻ, có nhiều nguồn suối ngọt lành và dòng Nậm Lùng trong mát, nên cái dẻo cũng dẻo đến lạ lùng mà cái thơm cũng thơm đến lạ lùng, là thế.
Ngày nay, Tú Lệ đổi thay cùng quê hương, mùa tiếp mùa lúa, cả thung lũng Tú Lệ đổ tràn cái mầu xanh mầu vàng làm mê đắm người quê núi. Mê nhất là mầu vàng lúa nếp Tan Lả. Lúc Tan Lả bát ngát "khẩu hang"- tức là lúc lúa đỏ đuôi, cũng là lúc người Thái gặt lúa về giã cốm. Khắp bản Pom Han, Phạ Trên, Nước Nóng, Nà Lồng, Phạ Dưới, Búng Xủm, đâu đâu cũng cắc cụp cắc cụp tiếng chày giã cốm. Hương cốm nếp thơm nức suốt chín bậc cầu thang, rồi bay qua chỏm Khau Cút thơm nức cả bản trên mường dưới. Cốm nếp Tan Lả gói lá dáy, lá dong xanh, đưa tay người xa tới, mới nếm đã thấy mê cái dẻo thơm lạ lùng. Cốm nếp Tan Lả còn đem nấu cháo vịt, vị ngọt thơm khiến người thưởng thức nhớ mãi, nhớ mãi. Nếp Tan Lả nấu xôi thường và đặc biệt là xôi ngũ sắc - món không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi và ngày lễ tết của người Thái như Tết Nguyên đán, hội Lồng Tồng, Tết Xíp xí. Xôi thường khỏi nói, còn xôi ngũ sắc là món độc đáo của người Thái. Cách nấu xôi không lạ nhưng muốn làm xôi ngũ sắc nhất thiết phải tìm cho được các thứ củ cây, lá, như: bẳn hảu lương, co khẩu cắm, co khẩu đeng, phưởng khảu ly... để tạo mầu tím, mầu đỏ, mầu vàng, mầu xanh đen, đủ năm mầu cho đĩa xôi. Xôi ngũ sắc nhìn lung linh như bông hoa rừng, hấp dẫn lắm. Xôi nếp Tan Lả mà ăn với pa pỉnh tộp (cá nướng), nhưa cáy mọ (thịt gà xôi), nhưa khoai mọ min (thịt trâu để ôi đem (xôi), phắc nhả hút mọ (cỏ mần trầu xôi), mắc pi cuội (hoa chuối thái nhỏ), nó xổm héo (măng chua héo)... thì thôi rồi, ngon hết sảy!
Muốn hết tầm khoái khẩu bởi có thêm không gian vui tươi của lễ hội, ta phải thưởng thức xôi nếp Tan Lả vào Rằm tháng Giêng - đúng dịp hội Lồng Tồng, tức hội Xuống đồng. Ngày nay, hội Lồng Tồng không chỉ dành riêng cho người Tày, mà còn dành cho các tộc người khác nữa. Cánh đồng sát phố núi Tú Lệ được chọn làm sân của hội Lồng Tồng. Ngày hội, người trảy hội đông như đàn mối, đàn kiến. Người Mông từ La Pán Tẩn, Khao Nhà, Phình Ngài, Tào Xá Chải, Nậm Có, Làng Cúng Mà - xuống. Người Kinh từ huyện lỵ Sơn Thịnh, thị tứ Mỵ, thành phố Yên Bái - vào. Người Dao từ Sơn Lương, người Tày, người Thái và người Mường từ An Lương, Lũng Lô, Nậm Búng, Mường Lò - lên. Nào ngựa, ô-tô, xe máy, xe đạp. Nào áo cỏm, áo hoa, áo chàm xanh, pàng tau sao khủa, khăn piêu, mũ nồi. Nào ô xòe, lù cở, khèn bè, pí pặp, pí lè, tính tẩu. Kín lối. Kín ruộng. Nghịt phố. Nghịt bản. Rõ là một tấm thổ cẩm đa sắc mầu dân tộc độc đáo của núi rừng Tây Bắc.
Người mường nào bản nào mà chẳng ước mong có "vựa thóc lớn" không bao giờ vơi. Riêng 931 gia đình với hơn 5.000 người Thái Tú Lệ luôn mong ước vựa thóc nếp Tan Lả đầy mãi. Biết rằng, hơn 160 héc-ta lúa nếp Tan Lả/171 héc-ta lúa nước trên cánh đồng rộng lớn kia, từng đem về cho người Thái Tú Lệ chừng hơn 800 tấn thóc/năm, còn ít lắm. Thế nên người Thái Tú Lệ thường trữ nếp Tan Lả làm vốn trong nhà. Trữ nếp Tan Lả nghĩa là người Thái Tú Lệ trữ của quý hiếm và độc đáo cho việc cưới hỏi, lễ Tết, hội hè và thoảng tiễn chân người khách xa quý mến.
Nhớ nhé! Bạn bốn phương có dịp công tác, du lịch hay phượt lên Tây Bắc, thì ngược quốc lộ 32, náo nức qua Trung Hà - Âu Lâu - Mường Lò, vượt bao suối sâu, đèo cao, vượt mãi, và nhớ dừng chân Tú Lệ. Tất nhiên, dừng chân Tú Lệ để mà ngơ ngẩn ngắm nhìn con gái Thái - từ bé đã tắm mạch nước nóng bên dòng Nậm Lùng, ăn xôi nếp Tan Lả, ngực nưng nức áo cỏm lấp lánh cúc mắc-pém, nước da trắng ngần, nghiêng nghiêng khăn piêu với gương mặt tươi hồng, long lanh mắt nai, như hoa ban rừng; để mà thưởng thức cái món xôi nếp Tan Lả dẻo thơm lạ lùng. Cảm hứng thật sâu đậm rồi hãy lên đèo Khau Phạ, đừng quên mang theo vài coóng khẩu ăm ắp xôi nếp Tan Lả, sẽ ngồi giữa mây ngàn gió núi với rì rào suối reo, với líu ríu chim ca, vừa nhấm nháp cái dẻo thơm lạ lùng của nếp Tan Lả, vừa mê mải ngắm núi Khau Phạ giống ông Khổng Lồ trong cổ tích Thái cứ thoắt ẩn thoắt hiện giữa mây ngàn, mê mải ngắm cánh đồng bậc thang Nậm Có, Tú Lệ... tầng tầng lớp lớp, uốn lượn như những con rồng núi bay mải từ suối Nậm Lùng lên tít rừng xanh Khau Phạ - Khau Thán - Khau Soóng.
VnCharm
Nguồn: