Gốm Chăm - những giấc mơ đến từ Đất và Lửa

Câu chuyện về bộ sưu tập mẫu gốm Chăm của nghệ nhân Đàng Thị Phan khiến nhiều người đặt niềm tin về sự hồi sinh mạnh mẽ của gốm Chăm cổ giữa nhịp sống hiện đại.

alt

Câu chuyện về bộ sưu tập mẫu gốm Chăm của nghệ nhân Đàng Thị Phan khiến nhiều người đặt niềm tin về sự hồi sinh mạnh mẽ của gốm Chăm cổ giữa nhịp sống hiện đại.

Sắc xuân đang hiện diện ở làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận- làng gốm Chăm cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là cảm nhận của nhiều người khi đến với làng Chăm này bởi làng nghề đang thực sự có được sức sống ở thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này bắt đầu từ sự cố gắng không mệt mỏi của những nghệ nhân làng nghề.

Đất đã là một phần trong cuộc sống của người làng Bàu Trúc. Thậm chí, những phụ nữ như bà Đàng Thị Phan vẫn cho rằng: cuộc đời của mình như sinh được ra từ đất, gắn với đất suốt cả đời cho đến khi trở về với đất. Đất đã cho bà sự sáng tạo không mệt mỏi, những sáng tạo rất riêng của những phụ nữ làng Chăm. Họ không hề biết về kỹ thuật điêu khắc, tạo hình nhưng sản phẩm của họ thì ngay cả những nhà điêu khắc chuyên nghiệp cũng phải suy ngẫm…

Không một giấy bút, bản vẽ, vậy mà ngày ngày, nghệ nhân Đàng Thị Phan liên tục cho ra những mẫu gốm mới. Không trùng lắp, không mô phỏng, mỗi sản phẩm gốm là một ý tưởng sáng tạo riêng. Cho đến lúc này, bà được xem là một trong những nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc sở hữu nhiều mẫu gốm Chăm nhất, trong đó ít nhất 50 mẫu gốm Chăm cổ được bà làm ra để trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học. Và đó là tài sản cực kỳ quý giá.

Bàn tay khéo léo theo những ý tưởng sáng tạo cùng với cách làm gốm không bàn xoay, lối nung gốm ngoài trời đã tạo nên sự độc đáo có một không hai của gốm Bàu Trúc. Thừa tự dòng gốm Chăm cổ, bà Phan đã đem vốn quý ấy giới thiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong các hội chợ triển lãm. Thị trường nhiều nước biết gốm Chăm ở một ngôi làng nhỏ bé Nam Trung bộ của Việt Nam bắt đầu từ những mẫu gốm đầy ấn tượng của những nghệ nhân như bà Đàng Thị Phan.

Ngôi nhà của bà Phan như là thế giới thu nhỏ cuộc sống thực thể và tâm linh của người làng Chăm. Những bình gốm mang  những linh vật trong quan niệm của người Chăm, những tháp Chăm cổ kính, dáng dấp của những thiếu nữ Chăm duyên dáng. Cuộc sống của làng Chăm là nguồn sáng tạo bất tận cho những mẫu gốm đối với bà Phan. Những mẫu gốm của bà như là tiếng nói của làng gốm Chăm.

Lặng lẽ truyền nghề cho người trong làng, ngày ngày, bà Phan thắp trong họ ngọn lửa âm ỉ của làng Chăm này, ngọn lửa đam mê với gốm Chăm. Gốm Chăm cứ thế, không bị mai một mà còn được rộng mở hội nhập với thế giới gốm. Ngày ngày, những phụ nữ làng Chăm gieo mầm và nuôi dưỡng cho người trong làng những giấc mơ ngày mai của gốm- những giấc mơ đến từ đất và lửa.

Nguồn tham khảo:

Tấn Quýnh, Gốm Chăm – những giấc mơ đến từ Đất và Lửa, http://vtv.vn

Bình luận của bạn