Làng gốm Bát Tràng
Làng quê Việt Nam còn lưu lại nhiều làng nghề đặc sắc, góp phần điểm tô cho sự đa dạng phong phú của nền văn hóa nước ta. Một trong những làng nghề được lưu danh đó là Làng gốm Bát Tràng, một trong những làng nghề cho ra đời nhiều sản phẩm tinh tế, sống động, ắp đầy màu sắc quê hương.
Làng quê Việt Nam còn lưu lại nhiều làng nghề đặc sắc, góp phần điểm tô cho sự đa dạng phong phú của nền văn hóa nước ta. Một trong những làng nghề được lưu danh đó là Làng gốm Bát Tràng, một trong những làng nghề cho ra đời nhiều sản phẩm tinh tế, sống động, ắp đầy màu sắc quê hương.
Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát nghĩa là chén bát, đồ gốm và chữ Tràng (hay Trường) là chỗ đất dành riêng cho chuyên môn.
Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của làng gốm Bát Tràng, trong đó có một giả thuyết đáng được quan tâm là Làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời hậu Lê, từ sự liên kết chặt chẽ giữa 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát như Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm với họ Nguyễn (Nguyễn Ninh Tràng) ở đất Minh Tràng.
Gia phả một số dòng họ ở Bát Tràng như họ Trịnh, Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng, tổ tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây (Bồ Bát là Bồ Xuyên và Bạch Bát). Vào thời Hậu Lê và đầu thời Nguyễn, xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại. Ngày nay, Bồ Xuyên và Bạch Bát là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Theo truyền thuyết và gia phả một số dòng họ như họ Vũ ở Bồ Xuyên, cư dân Bồ Bát chuyên làm nghề gốm từ lâu đời. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm nằm dày đặc ở nhiều nơi trong vùng.
Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (năm 1010), Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Một số thợ gốm Bồ Bát cũng đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng, được triều đình chọn là nơi cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh lúc bấy giờ.
Có lẽ vì vậy mà tên gọi Bát Tràng đã đi sâu vào tâm thức của người Việt, mỗi khi nhắc về các sản phẩm từ đất nung. Trong ca dao cổ vẫn còn câu:
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”
Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò". Nghĩa là đất làm gốm phải được nén chặt, để đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm. Kế đó là kỹ thuật tạo lớp men phủ (men trắng, men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn). Cuối cùng là kỹ thuật nung lò để có được sản phẩm hoàn chỉnh.
Người thợ gốm quan niệm sản phẩm gốm không khác nào một cơ thể sống, có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và trong đó còn mang cả yếu tố tinh thần, sự sáng tạo của con người. Tất cả hoà vào nhau để tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã cùng với sự tinh tế của con người – gốm Bát Tràng.
Để có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, nghệ nhân Đào Văn Can đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt, các nghệ nhân Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam, Nguyễn Văn Khiếu... mỗi người một tìm tòi, phát hiện để góp những kiến thức, kinh nghiệm, phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.
Nguồn:
vietravel.com