Sức Sống Của Nghệ Thuật Hoa Lụa Đất Hà Thành

Nổi tiếng vào bậc nhất về nghề làm hoa lụa ở đất Hà thành phải kể đến nghệ nhân Mai Hạnh. Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 10 mét vuông của bà tại số 5, phố Chả Cá, Hà Nội thật giống như một rừng hoa. Là con gái đất Hà Thành chính gốc, bà từng được biết đến dưới danh hiệu “Nữ hoàng hoa lụa”. Khi tiếp tôi, vừa kể chuyện, tay bà vẫn thoăn thoắt quấn những bông cúc vàng rực…

Nổi tiếng vào bậc nhất về nghề làm hoa lụa ở đất Hà thành phải kể đến nghệ nhân Mai Hạnh. Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 10 mét vuông của bà tại số 5, phố Chả Cá, Hà Nội thật giống như một rừng hoa. Là con gái đất Hà Thành chính gốc, bà từng được biết đến dưới danh hiệu “Nữ hoàng hoa lụa”. Khi tiếp tôi, vừa kể chuyện, tay bà vẫn thoăn thoắt quấn những bông cúc vàng rực…

alt

Nghề “cha truyền con nối”

Được phong danh hiệu nghệ nhân từ khi còn rất trẻ (năm 1986), khi mới có 35 tuổi, đến nay bà đã sáng tác hàng trăm mẫu hoa lụa trông chẳng khác gì những bông hoa thật. Có được thành công đó, bà đã phải bỏ rất nhiều công sức, tìm tòi, suy nghĩ và thể hiện dưới bàn tay tài hoa của mình.

Khi đất nước còn đang thời chưa mở cửa (năm 1979), hoa lụa Mai Hạnh đã có tên tuổi trong các cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc. Bà đã tâm sự về con đường đến với nghề làm hoa của mình. Thực ra, nghề làm hoa lụa đã có từ đời mẹ bà là nghệ nhân Đoàn Thị Thái. Cụ Đoàn Thị Thái đã học nghề cắt hoa giấy, và làm nữ công gia chánh từ khi còn nhỏ. Vì vậy, nhà bà không chỉ có nghề làm hoa lụa mà còn làm chả cá – món ăn nổi tiếng của đất Hà Thành. Năm 1999, Nghệ nhân Đoàn Thị Thái cũng đã được Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội đồng TW Liên minh các Hợp tác xã trao tặng giải thưởng “Đôi bàn tay vàng” (1999) vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này.

alt

Bà Hạnh cho biết, mẹ bà thực sự là mẫu người phụ nữ làm hết sức mình hy sinh cho chồng và con. Một tay bà tần tảo, vừa làm hoa, vừa bán chả cá nuôi 9 người con ăn học. Tất cả 8 người con khác của cụ Đoàn Thị Thái đều học hành thành đạt và giờ đây đều là những người có địa vị trong xã hội. Duy chỉ có cô em út Mai Hạnh là theo nghề của mẹ. Cũng là bởi, năm 1964, khi máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội, trong lúc chạy vào hầm trú ẩn, không may bà Hạnh bị tai nạn, ngã và ngất đi. Vết thương ở chân rất nặng, những tưởng bà Hạnh sẽ không còn đi lại được. Hơn 6 tháng nằm điều trị trên giường, thương con, cụ Thái đã dạy cho bà Hạnh biết cắt dán các loại hoa bằng giấy và bà đã yêu cái nghề này từ lúc nào không hay.

Say mê sáng tạo

Cái khéo tay của mẹ truyền lại, cùng năng khiếu sáng tạo bẩm sinh, bà Mai Hạnh không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để làm nên những bông hoa lụa tuyệt đẹp như hiện nay. Bà Hạnh đã từng nói với mẹ mình “Con mơ thấy mình làm được những bông hoa giả mềm mại như hoa thật”.

alt

Thế rồi bà cùng mẹ lặn lội đến rất nhiều hiệu may để kiếm những mảnh vải vụn đem về giặt là, phơi, cắt, dán uốn, kết, ghép…Dần dần bà đã sáng tạo nên những bông hoa mềm mại, duyên dáng như hoa thật với màu sắc rất sống động. Năm 28 tuổi, nghệ nhân Mai Hạnh đã đoạt Huy Chương Vàng của cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với bông hoa lụa dâm bụt. Sau này, bà Hạnh còn trăn trở ý nghĩ làm cho bông hoa lụa không chỉ có sắc mà còn có “hương”. Riêng hoa sen lụa của bà Hạnh là có cả đài nhuỵ và phấn hoa. Để bông hoa lụa của mình trông thật hơn, bà Hạnh đã nghĩ ra lấy bột thạch cao để chấm lên nhuỵ hoa cho giống những hạt phấn hoa li ti. Chất bột này rất hiệu quả bởi nó vừa kết dính lại vừa giống y hệt phấn hoa. Cách nhuộm cánh hoa bà Hạnh làm cũng khác, không chỉ nhuộm thông thường mà còn làm các tông màu cho thật chuẩn. Cánh hoa sen không chỉ nhuộm riêng một màu hồng, mà càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần.

Cũng với phong cách làm tỉ mỉ, công phu, kỹ lưỡng như vậy, bà Hạnh không chỉ sáng tạo mỗi hoa dâm bụt hay hoa sen, bà còn làm ra các loại hoa: mai vàng, sen hồng, hoa cúc vàng, hay lay-ơn, hoa phong lan…với những cánh hoa lụa giống hệt với thiên nhiên.

Đi đến đâu, bà Hạnh cũng để ý kỹ lưỡng các loài hoa đặc trưng của đất nước đó để về thực hiện bằng hoa lụa cho thật giống như hoa Tulip của Hà Lan, hoa Hồng xanh của Nga, phong cách cắm hoa của Nhật…Những bông hoa lụa được làm từ bàn tay của nghệ nhân Mai Hạnh đều đẹp và rất có hồn. Bà Hạnh cho rằng, hoa là quà tặng của thiên nhiên nên không thể làm dập khuôn, đồng loạt bằng máy được.

Chính bởi nghệ thuật làm hoa lụa rất độc đáo của bà mà bà đã từng được mời đi Mông Cổ giảng dạy cách làm hoa lụa thủ công. Sau này bà còn được mời sang dự thi và triển lãm nghề truyền thống dân gian 12 nước châu Á tại Fukuaka - Nhật Bản. Sau đó bà còn được mời đi giao lưu và quảng bá hoa lụa Việt Nam ở rất nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…

Kiên quyết không để thất truyền

Với suy nghĩ, nghề làm hoa lụa sẽ ngày càng phát triển, bà Hạnh đã không ngần ngại truyền nghề cho rất nhiều lớp học sinh. Khi nói về việc truyền nghề cho các cháu trong trại trẻ mồ côi, hay các cháu bị chất độc da cam, giọng bà Hạnh  trầm hẳn xuống: “Kinh nghiệm làm hoa lụa là do nhiều đời chắt lọc, nếu không truyền nghề cho ai mà để thất truyền thì phí lắm. Tôi nghĩ mình đi truyền nghề cho nước ngoài, tội gì không truyền nghề cho người Việt Nam ta. Trông thấy các cháu bị chất độc da cam và mồ côi tôi rất thương. Đi dạy từ những năm 1985 ở khắp mọi nơi, đến giờ số học sinh học nghề tôi lên đến hàng trăm em, đa phần là các học sinh câm điếc, nhiều em ra nghề đã nuôi sống được bản thân. Có bao nhiêu kỹ thuật tôi truyền hết, không hề dấu nghề với mong muốn phát triển nghề này một cách rộng rãi, giúp ích cho xã hội là đã thích rồi”.

Đúng là "tre già măng mọc", người học trò đặc biệt nhất của bà Mai Hạnh lại chính là cô con gái Đặng Thị Minh Hằng. Ở Minh Hằng dường như có sẵn những tố chất của một nghệ nhân. Được mẹ tận tâm truyền nghề, tác phẩm đầu tiên của Hằng là một lẵng hoa bé tí hon, kích thước chỉ bằng đốt ngón tay với đầy đủ hoa, lá, cành…Tố chất con nhà nòi ấy còn được Minh Hằng phát triển hơn khi chị vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật. Tác phẩm “Hoa chuối” của chị đã đoạt giải nhất cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam” ở Festival Huế 2004. Chắc chắn, con đường sáng tạo của chị sẽ còn phát triển hơn nữa. Nhất là bên cạnh chị còn có mẹ chị luôn hỗ trợ - nghệ nhân Mai Hạnh, người đã có công đưa hoa lụa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trong làng thủ công mỹ nghệ khu vực và thế giới.

Yêu nghề và thành công đến vậy nhưng để phát triển cơ sở làm hoa lụa lớn hơn nữa thì vẫn chưa đủ điều kiện. Nghệ nhân Mai Hạnh chỉ mong muốn được nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cơ sở sản xuất như đất làm nhà xưởng để bà có thể mở rộng sản xuất, đủ điều kiện đáp ứng các các hợp đồng lớn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các cháu trẻ mồ côi cũng như phát triển một nghề truyền thống rất đặc sắc của Hà Nội.

Nguồn:

Tuyết Minh, Sức sống của nghệ thuật hoa lụa đất Hà Thành, http://hanoimoi.com.vn

 

Bình luận của bạn