Đặc sản rừng 'xuống núi'

Trời phú cho Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng khí hậu đa dạng nhưng khá ôn hòa, là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, là điều kiện cần để tạo nên những đặc sản đặc trưng của riêng Gia Lai như: Mật ong, măng le, bò một nắng...

Thời các thực phẩm hỗ trợ còn thiếu thốn, mật ong luôn là nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp dưỡng chất cho con người. Ngày nay, với sự phát triển đa dạng của ngành công nghiệp thực phẩm, vai trò của mật ong dần bị thay thế. Tuy nhiên, những người biết chú trọng đến sức khỏe của mình thì mật ong là sản phẩm không thể thay thế được. Trong khi đó, mật ong được lấy từ những cánh rừng ở Gia Lai luôn được ưa chuộng với vị ngọt thanh và có hàm lượng dưỡng chất vượt trội nên rất được ưa chuộng, nhất là ở vùng đồng bằng.

Đà Nẵng, TP.HCM có thể nói là nơi mà mật ong Gia Lai được ưa chuộng nhất với khá nhiều cơ sở, đại lý phân phối như: Mật ong Hương Rừng (79, Tú Mỡ, Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), Mật ong rừng Tây Nguyên (60 Ngô Sĩ Liên, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng),Mật ong Tây Nguyên Xanh (26/14A, đường 26, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM)... Các đại lý này hầu hết đều nhập sản phẩm trực tiếp tại các công ty hoặc các hộ nuôi ong trên địa bàn Gia Lai.

Anh Vũ Văn Mạnh (trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) nhưng phân phối mật ong tại Đà Nẵng cho biết: “Gia đình mình làm nghề nuôi ong đã hơn 10 năm. So với những nơi khác, giá mình bán thường mềm hơn bởi mình lấy quyền lợi của khách hàng làm mục tiêu chứ không đưa giá lên thật cao để đánh lừa tâm lý lừa người tiêu dùng (nhiều người cho rằng giá cao mới đúng là hàng thật). Bên cạnh đó, mật ong mình cung cấp hoàn toàn do gia đình tự nuôi, không mua qua trung gian nên giá bán mềm hơn rất nhiều cũng là điều dễ hiểu. Mình chấp nhận lời ít nhưng bán được với số lượng nhiều”.

Nói đến đặc sản Gia Lai không thể không nhắc đến măng khô khi đây cũng là một trong những sản phẩm rất được người dân miền xuôi ưa chuộng. Trong tất cả các loại măng thì măng le được ưa chuộng nhất bởi đặc ruột, lại ngọt, bùi, không có vị đắng, lúc tươi thì vị mát lành, khi phơi khô lại có độ giòn dai. Và cũng chỉ có măng khô làm tại Gia Lai mới được nhiều thực khách ưa chuộng. Chị Long-Chủ cơ sở măng khô Gia Lai-Kon Tum Nam Long (số 2/1 Nguyễn Hữu Huân, TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết, khách hàng khắp nơi rất thích măng khô Gia Lai vì không dùng lưu huỳnh (diêm sinh) để sấy khô mà sấy bằng củi than và phơi khô măng bằng nắng tự nhiên. Măng ở đây cũng chỉ dùng măng non nên chỉ cần ngâm 1 đêm trong nước vo gạo là măng đã mềm. Măng khô Nam Long đã có đại lý tại 152/22 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với mật ong, măng khô, cà phê, chè các loại thì bò một nắng Krông Pa đang là sản phẩm được người tiêu dùng cực kỳ thích, nhất là làm quà cho người thân, bạn bè vùng đồng bằng. Đây cũng là sản phẩm nhiều lần "cháy" hàng tại tiệm Đặc sản miền Trung Đại Lộc Phát (12 Hoàng Hoa Thám, TP. Đà Nẵng) vì “người Đà Nẵng rất thích món này”-chủ tiệm cho biết. Bò một nắng được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị như sả, ớt, đường, muối...đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Tương tự như bò một nắng là nai một nắng. Tuy nhiên, nai một nắng thịt ngon hơn và hiếm hơn. Chị Vân-chủ cơ sở giò chả Thy Vân (1414/31 Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chuyên cung cấp nai một nắng chính gốc Gia Lai nhận định: “Người Sài Gòn thích cái vị mới mẻ, lạ lẫm của nai một nắng nên đây cũng là sản phẩm rất đắt khách”. Song cũng vì hiếm nên chị phải đặt hàng từ nhiều mối khác nhau trên địa bàn, nhiều khi đặt hàng rất lâu mới có.

Du khách đến với Gia Lai luôn thích thú bởi những món ăn đặc sản như cơm lam, gà nướng chấm muối é, phở khô 2 tô hay bún mắm cua... Và quà mang về cho những người phương xa là mật ong, măng khô, bò một nắng, nai một nắng... Tất cả đều góp phần làm nên một hương-sắc-Gia-Lai khó lẫn!

Bình luận của bạn