Muối Tôm Tây Ninh, Đặc Sản Ở Vùng Đất Không Có Biển
Tây Ninh không có biển nhưng đã cho ra đời một loại muối thơm ngon, trở thành đặc sản của vùng đất chỉ có nắng và gió. Là tỉnh biên giới Tây Nam, giáp ranh với nước bạn Campuchia, Tây Ninh trong tâm thức của nhiều người là vùng đất tâm linh, nổi tiếng với địa danh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài... Tuy nhiên, người ta còn biết đến Tây Ninh với nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng... và muối tôm.
Tây Ninh không có biển nhưng đã cho ra đời một loại muối thơm ngon, trở thành đặc sản của vùng đất chỉ có nắng và gió.
Là tỉnh biên giới Tây Nam, giáp ranh với nước bạn Campuchia, Tây Ninh trong tâm thức của nhiều người là vùng đất tâm linh, nổi tiếng với địa danh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài... Tuy nhiên, người ta còn biết đến Tây Ninh với nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng... và muối tôm.
Không như bánh canh hay bánh tráng, muối tôm là một đặc sản nổi tiếng có phần nghịch lý của Tây Ninh. Nghĩ cũng lạ, ở vùng đất không có biển, thiếu cả muối lẫn tôm mà lại nổi tiếng với đặc sản là muối tôm. Tuy nhiên, đó là một bí quyết, một niềm tự hào của người dân Tây Ninh.
Muối tôm, giống như tên gọi có thành phần chính là sự kết hợp giữa tôm và muối. Người dân Tây Ninh nhập nguồn nguyên liệu này về từ các tỉnh ven biển, được chế biến theo một công thức riêng để cho ra đời những hạt muối đậm màu gạch, thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nghe tên có vẻ đơn giản, nhưng để cho ra đời những hạt muối thơm ngon đó, những người thợ ở đây phải trải qua rất nhiều khâu chế biến tỉ mỉ và công phu. Ngoài muối và tôm, một thành phần quan trọng không kém là ớt. Những quả ớt chín đỏ tươi được chon lựa một cách tỉ mỉ, sau đó được đem phơi hơi khô. Thành phần thứ hai là tôm, được lựa chọn từ những con tôm phơi khô, đòi hỏi quan trọng nhất là sạch và khô ráo. Muối là nguyên liệu chủ đạo, yêu cầu phải là loại muối hột được sơ chế một cách sạch sẽ.
Ớt và tôm được xay nhuyễn, trộn đều với muối theo một tỉ lệ nhất định, cho thêm các loại gia vị khác như tỏi, sả... Sau đó, cho tất cả lên chảo và rang đều, đây là một quá trình quan trọng quyết định đến chất lượng hạt muối. Người thợ phải canh lửa và rang đều tay để hạt muối có màu gạch cũng như hương thơm đặc trưng của muối tôm.
Trong đời sống của người dân Tây Ninh, muối tôm trở thành một thức chấm quen thuộc cho các loại trái cây như: xoài, ổi... Muối tôm còn là gia vị chính làm nên món bánh tráng trộn thơm ngon của tuổi học trò.
Muối tôm là một mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn làm quà tặng cho người thân khi đến đây. Món ăn dân dã, bình dị ấy đã trở thành một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, ngày càng nổi tiếng, góp thêm hương vị đậm đà trong cuộc sống của người Việt Nam.
Nguồn:
Huấn Phan, Muối tôm Tây Ninh, đặc sản ở vùng đất không có biển, http://ngoisao.net