RAU VietGap trên đất cù lao Rùa

Do quanh năm được bồi đắp lượng phù sa màu mỡ, nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Vài năm trở lại đây, Thạnh Hội trở thành một trong những vùng trồng rau, củ quả nổi tiếng.

Sơ chế rau VietGAP ở cù lao Thạnh Hội

Cù lao Thạnh Hội, xã Thạnh Hội, TX Tân Uyên (Bình Dương) có hình dáng như một con rùa đang bơi giữa sông Đồng Nai, vì thế còn có tên là cù lao Rùa. Do quanh năm được bồi đắp lượng phù sa màu mỡ, nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Vài năm trở lại đây, Thạnh Hội trở thành một trong những vùng trồng rau, củ quả nổi tiếng.

Khá lên

Ông Đào Văn Nô, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội kể, cách đây khoảng 5 - 6 năm, chính quyền nhận thấy vùng đất cù lao phù hợp phát triển vùng rau, củ, quả nên bắt đầu đẩy mạnh công tác khuyến nông và đưa thêm các giống mới như mướp, dưa leo, cải xanh, bí, đậu về cho nông dân trồng.

Đặc biệt, từ năm 2010, khi cầu Thạnh Hội khánh thành, cũng là lúc cù lao này không còn lẻ loi giữa dòng sông nữa. Từ đây Thạnh Hội trở thành vùng chuyên canh rau củ quả lớn của TX Tân Uyên. Đời sống của bà con trên cù lao Rùa ngày càng khởi sắc.

“Hồi chưa có cầu Thạnh Hội, nông dân chỉ vận chuyển rau quả bằng ghe, xuồng và cũng không thể đi xa, chỉ có hai điểm giao hàng là chợ Bửu Long và chợ Biên Hòa. Còn bây giờ, xe tải vào tận vườn để lấy hàng. Những hộ có phương tiện họ không bán tại ruộng mà hợp tác với nhau, chở hàng bằng ghe máy, xe tải nhỏ về các chợ đầu mối ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM bán được giá cao hơn”, ông Nô kể.

Anh Lê Văn Trung, nông dân ấp Thạnh Hiệp kể, vợ chồng anh có 3 công ruộng, những năm trước đây trồng lúa, hành rồi bạc hà. Sau này thấy trồng lúa không hiệu quả, vợ chồng anh chuyển sang trồng rau, mỗi vụ kiếm lời được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng vẫn bấp bênh, vì trồng tự phát, cũng chẳng áp dụng kỹ thuật gì. Chuyện được mùa, mất giá cũng xảy ra thường xuyên.

"Kể từ khi tham gia tổ hợp tác SX rau theo quy trình VietGAP, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả, đầu ra ổn định, tôi không còn lo chuyện bị thương lái ép giá hay ế nữa. Hiện tôi chỉ trồng 2 công các loại rau như cải, bắp xôi, bầu, mướp… mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng/công", anh Trung chia sẻ.

Chìa khóa là tiến bộ kỹ thuật

Theo ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cù lao có hơn 235 ha đất SX rau màu và lúa, năng suất trung bình đạt 15 tấn màu/ha/vụ và 5 - 6 tấn lúa/ha/vụ. Nếu muốn tăng thu nhập, SX ổn định và bền vững, con đường tất yếu là phải SX và cung cấp cho thị trường các loại sản phẩm sạch. Vì thế, 2 tổ hợp tác SX rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thành lập.

Nông dân Thạnh Hội khá lên từ khi áp dụng quy trình VietGAP

Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các đơn vị khuyến nông, BVTV của TX Tân Uyên tư vấn cho nông dân tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao.

“Trước đây trồng lúa, mỗi năm có 1 vụ, thu nhập chỉ đủ ăn. Rồi đến trồng hành, trồng bạc hà, người dân có khoảng hơn chục năm thu nhập khá. Nhưng tự phát là chính nên cũng không bền. Còn bây giờ, người dân làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tuân thủ quy chuẩn theo VietGAP nên thu nhập cao hơn, ổn định hơn”, ông Minh nói.

Từ năm 2012 - 2015, Thạnh Hội đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình SX rau đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Dự án do ông Nguyễn Quốc Long, Chủ nhiệm HTX rau Thạnh Hội chủ trì, thực hiện với cây hành lá, dưa leo, cải ngọt và ớt cay trên diện tích 4ha (tương ứng với 25,7ha gieo trồng trong 2 năm).

Kết quả, năng suất và sản lượng của mô hình đạt và vượt yêu cầu. Lợi nhuận trung bình đạt được trên 1 ha/năm là 298,7 triệu đồng, tức tăng thêm gần 72% so với trước khi triển khai. Dự án cũng đã xây dựng được 1 nhà vòm diện tích 500m2 với lưới chuyên dụng bao quanh, 1 nhà sơ chế công suất 200 - 300 kg/giờ. Xây dựng được mạng lưới SX rau VietGAP đạt chuẩn với 40 tổ viên. Đào tạo 6 kỹ thuật viên đủ trình độ làm chủ công nghệ đã được chuyển giao. Tập huấn quy trình SX VietGAP cho 451 lượt nông dân tham gia...

“Qua quá trình thực hiện và triển khai mô hình, người dân tham gia dự án đã ý thức hơn trong việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác rau VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ việc giữ vệ sinh môi trường SX, gom các bao bì, chai lọ đựng hóa chất đã dùng xong vào thùng rác, không đổ nước súc bình sau khi phun thuốc BVTV trực tiếp xuống đồng ruộng, giúp môi trường thân thiện và bền vững hơn”, ông Long cho biết.

Những mô hình sản xuất rau củ quả áp dụng KHKT ở Thạnh Hội

 

Bình luận của bạn