Đặc sản bánh tẻ Phú Nhi

Trong số những thức quà của vùng đất Sơn Tây, bánh tẻ Phú Nhi là đặc sản mà ai đã từng ăn một lần đều nhớ mãi. Tuy là món ăn dân dã, mộc mạc từ hạt gạo nhưng chứa đựng nhiều tinh hoa ẩm thực và sự kỳ công trong chế biến.

Tất bật vào mùa
Khoảng thời gian cận Tết được xem là "chính vụ" của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Thế nên về Phú Nhi thời điểm này, không khí tất bật như tràn vào từng hộ sản xuất. Nhiều gia đình làm hàng từ sáng tới tối. Trong nhà chất đầy nguyên liệu nào là gạo tẻ, những tải mộc nhĩ, lá chuối khô, lá dong… Ông Nguyễn Xuân Hùng - chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Vân Hùng, tổ dân phố Phú Nhi 2 cho biết, bình quân mỗi ngày, gia đình ông làm ra khoảng 400 – 500 chiếc, hôm nào có đơn hàng đám cưới, hội nghị thì lên tới hàng ngàn chiếc. "Gia đình tôi chủ yếu làm theo đơn hàng nhưng cũng chẳng mấy khi hết việc. Từ ngày 20 tháng Chạp là nhà tôi không dám nhận thêm đơn hàng nữa vì sợ làm không xuể" – ông Hùng chia sẻ. Nói đến nghề làm bánh tẻ ở Phú Nhi không thể không nhắc tới bà Phạm Thị Bình - chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình, tổ dân phố Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh. Không chỉ có kỹ năng khéo léo với thâm niên vài chục năm trong nghề, bà Bình còn là người dạy làm bánh tẻ nhiều năm nay. Bà cho biết, mỗi ngày, cơ sở của bà sản xuất 300 – 400 bánh, vừa bán buôn vừa bán lẻ. Giá bán là 5.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, cho lãi 800 – 1.000 đồng/chiếc. Để đáp ứng nhu cầu của khách, ngoài huy động nhân lực trong nhà, bà Bình phải thuê thêm thợ mới kịp thời gian giao hàng.

Sản xuất bánh tẻ tại làng nghề Phú Nhi. Ảnh: Quang Thiện

Theo thống kê của UBND phường Phú Thịnh, toàn phường hiện có 38 cơ sở sản xuất bánh tẻ thường xuyên và nhiều cơ sở làm theo thời vụ, tập trung ở 4 tổ dân phố Phú Nhi 1, 2, 3 và Hồng Hậu. Nghề làm

Năm 2007, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Làng nghề truyền thống. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng.

bánh tẻ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo phường cho biết, càng gần Tết, hoạt động sản xuất của làng nghề càng sôi động bởi nhu cầu đặt bánh phục vụ liên hoan, tổng kết, đám cưới hỏi và ăn trong ngày Tết tăng cao.
Khẳng định giá trị
Theo những người thợ lâu năm trong nghề, để làm được chiếc bánh tẻ ngon đúng vị của Phú Nhi đòi hỏi quy trình rất cầu kỳ, kỹ lưỡng từ chọn nguyên liệu tới cách chế biến. Gạo để làm bánh nhất định phải là thứ gạo trắng tinh, đem ngâm nước trong 2 - 5 ngày tùy theo mùa, sau đó xay thành bột nước. Bột tiếp tục được ngâm trong 3 ngày (vào mùa Hè) và 5 ngày (vào mùa Đông) cho thật mềm, dẻo. Thùng chứa bột phải được thay nước thường xuyên để cho lắng thứ bột mịn trắng trong xuống và tạo độ chua nhẹ nhàng cho bánh. Thịt làm bánh tẻ phải là thứ thịt ba chỉ hoặc nạc vai ngon, thái thành sợi nhỏ giống như mộc nhĩ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những thứ hương vị "nhà quê" ấy hòa quện trong chiếc bánh nhỏ nhắn, buộc gọn gàng và được lưu giữ bởi lớp lá dong ở bên trong, lá chuối khô ở ngoài cùng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều thực khách mê đắm với hương vị của chiếc bánh tẻ Phú Nhi. Do lợi thế nằm trên tuyến QL32, hàng ngày, bánh tẻ Phú Nhi lại theo những chuyến xe khách, xe buýt đi khắp nơi. Từ nội thành Hà Nội tới các tỉnh, thành, thậm chí còn lên máy bay vào tận Sài Gòn... Giờ đây, bánh tẻ Phú Nhi được đóng cẩn thận trong thùng xốp hay thùng carton để khi chuyển tới tay khách hàng, bánh vẫn còn nóng và thơm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề Phú Nhi, một số địa phương lân cận cũng bắt đầu làm bánh tẻ, song sử dụng bột khô pha nước. Cách làm này không tốn công, giá rẻ hơn nhưng chất lượng thua xa vì bánh thiếu độ dẻo. Mới đây, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, chiếc tem nhãn của làng nghề Phú Nhi đã được ra lò với logo in hình cổng làng cổ kính và hai bông lúa vàng - nguyên liệu chính làm ra chiếc bánh tẻ dẻo thơm. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết, đến nay đã có 10 hộ đăng ký sử dụng tem nhãn trên sản phẩm. UBND phường sẽ thành lập đoàn kiểm tra, nếu hộ nào đủ điều kiện ATTP mới cấp nhãn hiệu. Việc làm này sẽ giúp cho làng nghề phát triển bền vững trước sức ép thương mại hóa.

Bình luận của bạn