Tản Mạn Về Nghệ Thuật Tranh Thêu

Ở Việt Nam, nghề thêu là một ngành nghề truyền thống đã có tự lâu đời. Lịch sử của ngành nghề truyền thống này vốn gắn liền với lịch sử tâm linh của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ.

Ở Việt Nam, nghề thêu là một ngành nghề truyền thống đã có tự lâu đời. Lịch sử của ngành nghề truyền thống này vốn gắn liền với lịch sử tâm linh của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ.

alt

Ngay từ thế kỷ thứ I, bên cạnh lá cờ thêu “Đền nợ nước trả thù nhà” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phụ nữ Việt Nam còn biết dùng công việc thêu thùa để trang hoàng nhà cửa, hơn nữa là để bày tỏ tâm sự, tình cảm và để làm đẹp cho chính mình.

Tuy nhiên, cho đến nay không ai biết được, nghề thêu tay Việt Nam được đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới. Sử cũ chép rằng, ông tổ nghề thêu tên là Lê Công Hành (sinh ngày 18/01/1606 - mất ngày 12/06/1661) tại huyện Thường Tín, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Ông vốn là người họ Mạc. Khi nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại, sợ bị trả thù ông đổi sang họ ngoại là họ Trần. Sau đó, vì có công nên ông được nhà Lê ban quốc tính họ Lê.

Ông thi đỗ Tiến sỹ vào thời vua Lê Chân Tông (1643-1649). Năm 1646, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Chuyện kể rằng vì thấy ông là người thông minh nên người Trung Quốc đã bày kế nhốt ông trên một cái lầu cao. Trên đó chỉ bày một pho tượng bằng đất, một bức nghi môn và hai cái lọng. Mấy ngày sau, ông đã đến gần pho tượng và ngửi thấy mùi bánh khảo quê nên đã bẻ tượng ra để ăn cho khỏi đói. Thời gian sau đó, ông hạ bức nghi môn xuống, tháo ra, quan sát tỉ mỉ từng sợi chỉ, từng đường thêu với tâm niệm rằng nào để khi về nước truyền dạy cho người Việt. Ở trên lầu một thời gian không thấy ai mang thang lại cho xuống, vì thế, ông nghĩ ra cách kẹp hai cái lọng vào hai bên mình mà nhảy xuống. Triều đình nhà Minh thừa nhận ông là người thật sự thông minh, vì thế buộc phải để ông về nước…

Về nước, ông đã bắt tay truyền dạy nghề thêu cho con cháu. Nghề thêu nước ta phát triển kể từ ngày đó. Những tài liệu xa xưa cho thấy, trải qua những biến động của lịch sử, nghề thêu tranh có lúc thăng lúc trầm, thậm chí có lúc mai một đi, song nghề thêu tranh vẫn luôn giữ được “lửa” để truyền từ đời này sang đời khác.

Cho đến thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho Vua chúa và giới Qúy tộc. Sản phẩm thêu được hoàn thành bởi những chất liệu chỉ vải do công sức sáng tạo của những nghệ nhân Việt Nam. Những sợi chỉ lúc đó được nhuộm bằng công thức thủ công với chất liệu hoàn toàn thiên nhiên như củ nâu, cây chàm, vỏ bàng, nước điệp, lá vông, đá mài, hoa hòe…khiến cho người nước ngoài phải cảm phục để nhận định rằng: “Nhìn những màu nước nhuộm của các cô thợ thấy rất dơ dáy không ngờ đến khi nhuộm xong đều đủ hết một bảng màu vô cùng lạ lùng tưởng như phù phép mới có được".

Trong thời kỳ đó nghề thêu thường là do người phụ nữ Việt Nam đảm trách, theo quan niệm của nho giáo, người con gái phải hoàn thiện được tứ đức “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” như người xưa từng nói: 

“Trai thì đọc sách ngâm thơ

Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may”

Đại đa số phụ nữ cả nước đều biết thêu, tuy nhiên tập trung và có tính chuyên nghiệp từ lâu đời là ở Huế. Khi triều đại nhà Nguyễn xây dựng ở Cố Đô Huế, bà Hoàng Thị Cúc mẹ vua Bảo Đại, cùng với Nam Phương Hoàng Hậu đã kết hợp những ưu điểm của kỹ thuật thêu Châu Âu với những tinh hoa của nghệ thuật thêu Châu Á để biến nó trở thành nghệ thuật thêu của Cung Đình, gắn liền với những đặc điểm thùy mị, tinh tế, tỉ mỉ của người con gái xứ Huế.

Gabrielle học giả người Pháp, chuyên nghiên cứu văn hóa Á Đông viết: “…Nhiều nơi đã truyền lại cho con cháu những ngành nghề lạ lùng là vẽ hình bằng chỉ làm cho bông sen, bông tự nở trên lụa, làm cho bươm bướm trên mặt nước trong xanh, người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc…”

Hocquard soạn giả sách nói về nghề thêu cuối thế kỷ XIX nhận định: “Người thợ thêu Việt Nam tỏ ra rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu tay hòa hợp không chát chúa.”

Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm, nghề thêu có khi lên xuống nhưng nó vẫn giữ được bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc.

Từ Bắc, Trung, Nam ở đâu cũng có những nghệ nhân giỏi, giàu sáng tạo và yêu nghề. Chính niềm yêu nghề, sự cần mẫn của những người nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu tay ngày càng trở lên độc đáo, tinh xảo và phá cách hơn.

Với chất liệu (chỉ, vải) ngày một phong phú, với ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã dần biến tranh thêu vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật. Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm của người Việt Nam…

Cô Gái Bên Khung Cửi, Chân Dung Bác Hồ, Đám Cưới Chuột…những bức tranh được “dệt” lên từ những đường kim, mũi chỉ giờ đây đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ có vậy, tranh thêu tay truyền thống Việt Nam còn làm siêu lòng đông đảo những người yêu nghệ thuật ở nhiều nước.

Nguồn:

http://www.quocsu.com.vn

Bình luận của bạn