Âm vang tiếng trống Đọi Tam
Làng Đọi Tam (Duy Tiên - Hà Nam) là một làng làm nghề trống nổi tiếng và độc đáo của Hà Nam nói riêng và của đồng bằng Bắc bộ nói chung. Theo lịch sử thì nghề làm trống của Đọi Tam đã có trên dưới 1.000 năm.
Làng Đọi Tam (Duy Tiên - Hà Nam) là một làng làm nghề trống nổi tiếng và độc đáo của Hà Nam nói riêng và của đồng bằng Bắc bộ nói chung. Theo lịch sử thì nghề làm trống của Đọi Tam đã có trên dưới 1.000 năm.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay, các nghệ nhân của làng Đọi Tam vẫn giữ được bí quyết làm trống với chất lượng âm thanh khó lẫn với trống ở nhiều vùng khác. Họ chỉ cần nghe tiếng trống là biết ngay người thợ làm ra nó là tay thợ non hay già. Tiếng trống Đọi Tam nghe trầm và vang rất xa.
Kỹ thuật làm trống ở Đọi Tam rất tinh xảo. Tang trống chỉ duy nhất làm bằng một thứ gỗ - đó là gỗ mít có từ 50 tuổi trở lên. Chỉ có những người thợ ở Đọi Tam mới xẻ gỗ theo chiều cong của tang trống mà không dùng nhiệt để uốn, vì thế tang trống tròn đẹp và rất khít. Da để bưng trống phải là da trâu tươi do chính những người thợ Đọi Tam thuộc, sao cho da có độ dai thích hợp, dẻo mà không cứng. Da ngâm trong nước không được quá lâu hoặc quá chóng, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Da trâu không được sử dụng muối để bảo quản và phải căng ra phơi khô ở nhiệt độ 300C là tốt nhất. Tre làm đai trống là tre bánh tẻ, còn tre làm đinh để gim da trống với tang trống phải là tre đực già.
Việc tạo dáng cũng vô cùng nghệ thuật và khéo léo, làm sao để trống tròn, đẹp, hài hoà, cân đối. Thân trống là sự cộng hưởng âm thanh của cả mặt trống và tang trống. Mặt trống phải đều phẳng, để khi căng ra phải cân nhau theo chiều chảy, chiều rút. Lớp sơn phủ trong, ngoài thân trống cũng rất cầu kỳ. Nếu theo đúng quy trình cổ truyền ở Đọi Tam thì phải sơn đủ 11 nước sơn mới đảm bảo đủ tiêu chuẩn và chỉ có loại sơn ta lấy ở vùng Phú Thọ trước lúc mặt trời mọc mới gắn kết tốt và như vậy mới có thể phủ hết kẽ hở trong lòng tang trống.
Tài năng thật sự của nghệ nhân thể hiện rõ nhất trong việc làm trống sấm - một thứ được coi là linh khí của làng, của non sông. Chúng ta đều đã biết, chiếc trống sấm hiện nay để ở Văn Miếu có chiều cao 2,58m, đường kính mặt 2,010m là chiếc trống do những nghệ nhân Đọi Tam làm. Đây là chiếc trống hội to nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và đứng thứ hai thứ hai sau trống của Trung Quốc (đường kính mặt 2,050 m). Sở dĩ chọn đường kính mặt là 2,010m là ý nghĩa tượng trưng cho năm 2010 - năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc làm chiếc trống sấm được chuẩn bị rất kỹ từ việc chọn ngày, chọn giờ, đến kỹ thuật và mỹ thuật. Tang trống được làm từ cây gỗ mít có ở rừng Nam Giao (Huế) 400 tuổi, còn da trâu thì mọi người đi khắp nơi trong nước để tìm, kể cả đến Đồ Sơn vào mùa chọi trâu và cuối cùng đã tìm được con trâu ở Thái Bình 5 tuổi, nặng 600 kg đáp ứng được các yêu cầu. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn gắn liền với tiếng trống. Khi đất nước có giặc ngoại xâm thì vang lên tiếng trống trận thôi thúc mọi người ra trận. Khi đất nước thanh bình thì lại vang lên tiếng trống chèo làm say đắm lòng người, tiếng trống trường giục giã các em đến trường. Hơn 1.000 năm qua, làng trống Đọi Tam vẫn kiên trì và bền bỉ gióng lên từng hồi trống trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VnCharn
Nguồn