Trống Đọi Tam: Âm vang ngàn năm

Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là làng nghề làm trống truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Tương truyền, năm 987, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm lễ Tịch điền, đích thân xuống cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm một cái trống to để bày tỏ tấm lòng với đức vua.

Trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ rất lâu, tiếng trống luôn gắn liền với các ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Âm thanh rộn ràng của tiếng trống chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhờ được gìn giữ và phát huy, hiện nay nghề làm trống Đọi Tam ngày một phát triển, xứng đáng với truyền thống hàng nghìn năm ông cha gây dựng.

Duyên nghiệp…

Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là làng nghề làm trống truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Tương truyền, năm 987, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm lễ Tịch điền, đích thân xuống cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm một cái trống to để bày tỏ tấm lòng với đức vua. Tiếng trống vừa cất lên đã vang như sấm rền, nên sau này hai ông được dân làng tôn là “Trạng Sấm” - tổ nghề của làng.

trong doi tam am vang ngan nam
Trống Đọi Tam chuẩn bị đi giao cho khách (ảnh: trống Trạng Sấm)

 

Để có được những chiếc trống đạt chất lượng, người thợ Đọi Tam luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ, nhất là khâu chọn nguyên liệu. Gỗ làm tang trống là loại gỗ mít vừa dẻo, mềm lại không bị cong vênh, nứt vỡ. Sau khi chọn lựa, gỗ được đem cắt thành khúc có độ cong theo đúng yêu cầu từng loại trống, làm sao khi ghép thân trống phải vừa vặn và kín.

Da trâu phải là da trâu cái, sau khi nạo sạch mặt, ngâm nước, khử mùi sẽ đem căng, phơi khô 3 nắng rồi sấy cho dai và cắt thành mặt trống. Khi bưng trống, phải căng hết cỡ miếng da trâu lên mặt trống rồi sử dụng đinh chốt đóng cố định vào thân trống. Đinh chốt được làm từ vầu hoặc cây tre già. Nhờ vậy, âm thanh rền vang của trống được tạo ra từ những thao tác chính xác của người thợ trong việc xử lý nguyên liệu, từ khâu chế tác, xếp tang đến chọn và xử lý da trâu, căng da, đóng đinh. Đó chính là bí quyết được tích lũy hàng nghìn năm mà chỉ người dân Đọi Tam bằng đôi mắt tinh tường cộng với sự khéo léo mới gìn giữ và phát triển đến tận ngày nay.

Làm giàu từ đôi bàn tay

Đọi Tam hiện có 832 hộ với 2.187 nhân khẩu, trong đó độ tuổi lao động là 1.220 người, có trên 500 lao động tiểu thủ công nghiệp. Số lao động có việc làm thường xuyên là 330 lao động, số lao động có tay nghề cao là trên 50 lao động. Hiện nay, làng nghề có 1 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở sản xuất tư nhân và nhà xưởng để thu hút lao động.

Trước kia, trống được làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, nhưng gần đây nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với nhu cầu sản phẩm lớn, các cơ sở sản xuất đã đầu tư mua sắm nhiều thiết bị công nghệ như máy ép tang trống, máy cưa, máy bào... để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.

Hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện những mặt hàng mới làm từ gỗ như thùng rượu, chậu ngâm chân, bồn tắm bằng gỗ…, nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất trống ở Đọi Tam đã đầu tư mở rộng thêm các sản phẩm này để giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thêm thu nhập. Nhiều bình đựng rượu có mẫu mã đẹp, với những đường nét độc đáo từ hình dáng, kích cỡ đến những trang trí được hoàn thành đều làm hài lòng đông đảo khách hàng.

Nghệ nhân Phạm Chí Khang cho biết: “Trẻ con ở Đọi Tam lên 10 tuổi đã có thể biết sơ lược về cách làm trống. Nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba ngoài giờ đến lớp còn ở nhà giúp gia đình làm rất nhiều loại trống khác nhau... với đường kính từ 20cm cho tới 2m. Thu nhập từ làm trống của các em và một số thợ trung bình được khoảng 1-2 triệu đồng một tháng. Với thợ giỏi cũng được 3-4 triệu đồng”.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cũng được người làng nghề chú trọng như đặt biển quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng Internet, tham gia triển lãm ở hội chợ… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến khách hàng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2004, làng trống Đọi Tam đã được UBND tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận Làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp. Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”.

Năm 2013, Đọi Tam đã thành lập “Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam” được Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam công nhận. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp, sản xuất và kinh doanh mặt hàng trống thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập tình nguyện trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau. Tính đến năm 2015, hiệp hội có gần 70 hội viên là các hộ, cơ sở sản xuất, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm trống. Tuy điều kiện kinh tế, quy mô sản xuất khác nhau song các hội viên đều thể hiện sự đoàn kết, hỗ trợ nhau, cùng quyết tâm xây dựng và đưa thương hiệu “Trống Đọi Tam” đến với thị trường trong nước và thế giới.

Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và Kiểm định, kiểm nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam đã tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Trống Đọi Tam” cho Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam. Sản phẩm trống Đọi Tam được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã giúp việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu trên thị trường được thuận lợi hơn, quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ.

Nghề làm trống Đọi Tam cũng trải qua không ít những biến cố, thăng trầm. Nhưng với nỗ lực gìn giữ và bảo tồn của thế hệ trẻ, trống Đọi Tam ngày càng có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đóng góp vào kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Bình luận của bạn