Nghề làm giấy Dó truyền thống ở Hà Nội
Theo thư tịch cổ, vào thế kỉ XIII ở phía Tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy; theo thần phả còn được lưu giữ tại các đình ở vùng này cho biết, từ thời Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Thời đó dòng Tô Lịch còn chảy qua làng, có chiếc cầu gỗ bắc qua sông, dân làng đặt tên cầu là Cầu Giấy – cầu của làng có nghề làm giấy, để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay cầu cũ không còn, nhưng dấu tích của nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn gắn mãi với địa danh này.
Theo một thư tịch cổ nước ngoài, nước ta đã có nghề làm giấy từ thế kỉ III (sau CN). Người Giao Chỉ thời đó đã biết dùng gỗ mật hương để chế tác thành một loại giấy bản tốt, gọi là giấy mật hương. Một tài liệu khác nói rằng: Khoảng năm 284 các lái buôn La Mã đã mua được hàng vạn tờ giấy mật hương của ta. Theo sách “Thập dị kí” của Vương Gia người Trung Quốc (thế kỉ IV) cũng cho biết: người Giao Chỉ đã biết làm giấy từ rong rêu lấy từ lòng biển, gọi tên là giấy Trắc Lí…
Khác với phương Tây công nghệ thường phát triển ở các đô thị sầm uất thì ở Việt Nam các nghề phát triển ở các làng, sự hình thành của nghề gắn liền với sự tích về ông tổ nghề và tên tuổi của một làng.
Theo thư tịch cổ, vào thế kỉ XIII ở phía Tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy; theo thần phả còn được lưu giữ tại các đình ở vùng này cho biết, từ thời Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Thời đó dòng Tô Lịch còn chảy qua làng, có chiếc cầu gỗ bắc qua sông, dân làng đặt tên cầu là Cầu Giấy – cầu của làng có nghề làm giấy, để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay cầu cũ không còn, nhưng dấu tích của nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn gắn mãi với địa danh này.
Đến thế kỉ XV, do nhu cầu của xã hội, việc học hành, giao dịch thi cử phát triển nên đã xuất hiện thêm làng nghề làm giấy ở phường Yên Thái, cũng nằm trong vùng Bưởi ven Hồ Tây, tiếng chày giã dó đã đi vào tâm thức của người Kinh kì, cho tới nay vẫn còn đọng lại trong kí ức của nhiều người:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Vậy ai là người đã khởi xướng truyền dạy cho dân nghề làm giấy? Cổ sử Trung Hoa nói rõ ông tổ của nghề làm giấy là Thái Luân – một viên quan nhỏ sống vào thời Đông Hán (năm 105 sau CN). Nhưng thực ra, giấy đã ra đời trước Thái Luân chừng hai thế kỉ, Thái Luân có lẽ chỉ là người đã đúc kết kinh nghiệm trong dân gian để làm ra giấy một cách quy mô, bài bản hơn. Ở làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên – Hà Tây, một trong những làng có nghề làm giấy lâu đời hiện vẫn giữ được một quyển sách viết bằng chữ Nôm nói về cụ tổ nghề, có đoạn như sau:
Mừng công nghĩa hiệp khéo tay,
Khuôn phép ngày rày học được Thái Luân.
Chữ rằng nghệ tinh thân vinh,
Nhờ ơn ngày trước Thái Luân học cùng.
Ngoài cụ tổ nghề giấy Thái Luân mà làng tôn thờ, dân làng nơi đây còn kể lại: Có cụ tổ nghề giấy người Việt (không rõ họ tên) người làng An Cốc đã học nghề từ Trung Quốc đem về truyền dạy cho ba làng: An Cốc, Yên Thái, Yên Hòa.
Người vùng Bưởi thì kể rằng, không rõ cụ từ đâu tới, chỉ biết đầu tiên cụ đến làng Yên Quyết Thượng (tức Yên Hòa) dạy cho dân cách làm giấy, nên gọi là làng Giấy, nhưng vì không hài lòng với cách cư xử ở đây, nên cụ chỉ dạy cho dân làng này làm ra loại giấy thô. Cụ bỏ sang làng Hà Khẩu dạy cho dân biết cách làm giấy quỳ vừa mỏng lại vừa dai. Đến làng Yên Thái, cụ dạy dân ba xóm: Đông, Thọ, Đoài cách làm giấy lệnh, cuối cùng sang Nghĩa Đô cụ dạy cho gia đình họ Lại cách làm giấy sắc, loại giấy này phải “nghè”, tức là dùng vồ gỗ nện vào những tờ giấy đặt trên mặt tảng đá, làm cho giấy thêm nhẵn và dai, bền. Vì thế, Nghĩa Đô còn có tên gọi là làng Nghè.
Hàng năm dân làng An Cốc làm lễ tế cụ tổ nghề Thái Luân và cụ tổ nghề người Việt vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, để nhớ ngày cụ tổ bỏ làng ra đi đến làng Yên Thái và không bao giờ trở về nữa. Còn dân làng vùng Yên Thái, Yên Hòa… thì lấy ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ, đó là ngày cụ tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi.
Trong nước ta còn có một số nơi có nghề làm giấy như làng Xuân Ổ còn gọi là làng Ó ở Tiên Sơn – Bắc Ninh, làng Mai Chử (làng Mơ) thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa làm giấy bản. Làng Lộc Tụy và Đại Phú (Lệ Thủy – Quảng Bình) sản xuất giấy bằng vỏ cây niết, làng Từ Vân – Thanh Oai – Hà Tây làm giấy bìa bổi… nhưng không đâu nổi tiếng bằng vùng giấy Bưởi – Thăng Long. Sách Dư địa chí viết năm 1435, Nguyễn Trãi đã nhận xét “Đương thời phường Yên Thái (Bưởi) chuyên làm giấy. Thợ ở đây có thể làm được giấy thị, giấy lệnh, còn làng Nghĩa Đô chuyên làm giấy sắc màu, ngà vàng vẽ rồng và mây gọi là giấy long án”.
Nghề giấy phát triển góp phần thúc đẩy nghề in mộc bản từ thời Lý, các nhà sư đã khắc rất nhiều ván in cho nhà chùa để in kinh Phật. Năm 1736, đời vua Thuận Tông nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng giấy sản xuất trong nước, không phải mua của Trung Hoa nữa. Nghề giấy phát triển là do nhu cầu của thị trường, xã hội, song một phần cũng do sự quan tâm khuyến khích của các triều đại phong kiến. Sử sách còn ghi: Sau khi Lê Lợi đánh thắng quân xâm lược nhà Minh, triều đình đã lập ra “Tạo Chỉ cục” ở phường Quảng Đức để làm các loại giấy lệnh, giấy thị…
Nghề làm giấy thật là vất vả và nặng nhọc. Để làm ra tờ giấy, người thợ Yên Thái, Hồ Khẩu phải có tay nghề thuần thục. Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó tươi, người ta phải đến tận miền ngược dọc triền sông Thao, Vũ ẻn để mua về.
Vỏ dó tươi phải ngâm nước vôi loãng hai ngày rồi cho vào vạc nấu cách thủy liền trong bốn ngày. Xưa kia làng Yên Thái thường đắp lò nấu dó ngay bên bờ sông Tô Lịch để tiện việc ngâm, dặm, đãi vỏ dó và thuận tiện cho việc vận chuyển. Ở đây có một giếng làng khá lớn, dân vừa lấy nước để ăn lại vừa lấy nước để sản xuất. Cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng lại vét giếng cho nước thêm sạch, thêm trong. Rất tiếc giờ đây những lò nấu dó, giếng nước xanh trong nay không còn nữa. Có lẽ nó cũng đã bị lãng quên với nghề làm giấy đã từng vang bóng một thời!
Vỏ dó sau nhiều lần ngâm, nấu để cuối cùng tạo ra một loại xơ trắng muốt. Đây chính là chất liệu tinh khiết để làm ra giấy. Đem vỏ dó đã được xử lí cho vào cối giã thật mạnh, thật nhuyễn thành một thứ bột quánh rồi thả vào tàu seo. Công việc giã dó vất vả nặng nhọc lắm, chỉ đàn ông mới đảm đương nổi. Tàu seo giấy là một bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò. Vữa dó thả vào đây sẽ thành một thứ nước sền sệt, khi đem tráng trên liềm seo sẽ hình thành nên những trang giấy. Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng phải khéo léo, kiên trì nên phụ nữ thường đảm nhiệm công việc này. Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre trên mắt tàu seo cho nước rỏ xuống hết, chỉ còn bột giấy đọng lại trên liềm. Nước khô dần, bột giấy se lại, trang giấy hiện ra trên liềm seo.
Giấy seo xong lại phải ép, uốn cho thật kiệt nước (giấy ướt xếp chồng lên nhau gọi là uốn) rồi bóc uốn (còn gọi là can), cuối cùng mới cho vào lò sấy, sấy xong giấy được bóc rời từng tờ, miết lên tường cho khô và phẳng. Đó chính là quá trình chế biến từ vỏ cây dó tươi đến khi thành ra tờ giấy cho bạn cầm được trên tay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách thức làm ra giấy bản, loại giấy dùng cho nho sĩ hoặc để in sách. Có những loại giấy chất lượng kém hơn như giấy moi, giấy phèn, hay như làng Cót chuyên sản xuất giấy xề làm bằng đầu thừa, đuôi thẹo của vỏ dó.
Lại còn có thứ giấy vừa quý, vừa đẹp nền nổi hình rồng và mây gọi là giấy sắc (dân gian gọi là giấy phè) chỉ dành riêng cho vua dùng. Đây là loại giấy đặc biệt, được dân gian đánh giá vào loại thượng hảo hạng, là sản phẩm của làng Nghĩa Đô. Vào những năm 40 của thế kỉ trước, thợ giấy vùng Bưởi đã chế tác được loại giấy dó lụa, giấy nhung để in sách và in những bức tranh quý có giá trị lâu bền…
Nói đến nghề làm giấy, ta không thể bỏ qua một công cụ đặc biệt lại rất quan trọng đó là chiếc liềm seo. Có điều lạ, người làm giấy bao đời đều phải mua liềm seo của làng Xuân Đỉnh, người Xuân Đỉnh thường làm liềm seo để bán cho các làng làm giấy. Liềm được làm bằng cật nứa ngâm, chẻ nhỏ như sợi chỉ, mỗi nan dài chừng 60 – 70 phân (chiều dài của ống nứa – không dùng đầu mặt), nan để mộc thì bột giấy không bám, do đó phải đem hun khói, kĩ thuật hun công phu lắm, người ta dùng mùn cưa trộn với phân bò để đốt, vì chất liệu này cháy chỉ có khói chứ không bốc thành ngọn lửa. Mỗi lò xếp chừng 6000 nan, cứ hai giờ đồng hồ lại đảo một lần. Người ta hun liền trong hai ngày, lúc nào thấy nan vàng đều là được.
Công đoạn tiếp nối là dệt mành seo, tương tự như cách dệt mành mành nhưng dụng cụ nhỏ hơn. Khung dệt đơn giản bằng gỗ, có thanh ngang bào trơn, chia đều khắc thành rãnh nhỏ cách nhau chừng hai phân, sợi chỉ dùng để dệt được quấn quanh những quả vắt giấy nhỏ, xinh xắn như ngón tay cái, làm bằng đá xanh gọt nhẵn. Trước đây chỉ dùng để dệt mành seo cả làng Xuân Đỉnh phải đi đặt mua ở làng khác, nhiêu khê, phiền toái lắm. Sau này để khép kín công đoạn, người làng phải tìm về làng Triều Khúc (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) là làng có nhiều nghề thủ công nổi tiếng để mua tơ tằm về se lại rồi nhuộm đen. Chỉ se bằng tơ tằm nên rất chắc, bền lại chịu được nước.
Ngày nay, với sự xuất hiện của các nhà máy giấy hiện đại như Bãi Bằng, Trúc Bạch… Rồi thì các loại giấy cao cấp nhập ngoại tràn lan, nghề giấy làng Bưởi không đủ sức cạnh tranh, người ta chỉ sản xuất giấy để gói hàng, làm quạt, làm hàng mã… Tương lai của nghề giấy Bưởi thật mờ mịt, nó kéo theo nghề làm liềm seo cũng có nguy cơ thất truyền. Hiện ở Xuân Đỉnh chỉ còn duy nhất bà Huệ Nga là người cuối cùng vẫn còn giữ được nghề làm liềm seo. Con cháu bà đều đi làm nhà nước, chẳng ai chịu giữ lấy nghề tổ liềm seo. Vì vậy, sản phẩm làm ra phải mang sang tận vùng Thuận Thành để bán cho những người seo giấy làm hàng mã, in tranh ở làng Mái, Đông Hồ.