Bánh cam, bánh còng - Món bánh tuổi thơ của người Sài Thành
Mặc dù chỉ là loại bánh đường phố bình dị nhưng một khi nhắc đến loại bánh này thì chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ lại bao kỷ niệm khó quên thời thơ ấu.
"Ai bánh cam, bánh còng không?"... Có lẽ đây là câu rao nhiều người miền Tây đã từng chờ đợi nhất sau mỗi buổi trưa hè trong một không gian thôn quê yên tĩnh. Đặc biệt, đây cũng là món quà vặt mà trẻ con rất ưa thích, thậm chí đến tận bây giờ khi đã qua cái thời ngồi chờ cô bán bánh cam, bánh còng đi ngang thì chỉ cần nghe thoang thoáng câu rao là bao kỉ niệm tuổi thơ chợt ùa về. Và không chỉ trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng thường muốn có gì đó nhấm nháp vào buổi xế trưa. Do đó, nếu bất ngờ nghe được tiếng rao và thấy thấp thoáng người bán đội một mâm bánh cam, bánh còng cao chất ngất trên đầu là ai ai cũng phải ùa ra đường mua ăn cho bằng được.
Chắc hẳn nhiều người chưa từng được nếm thử món bánh phổ biến ở miền Tây này thì thế nào cũng tò mò không biết vì sao bánh lại có tên gọi lạ tai đến thế? Tuy nhiên, nếu nhìn qua hình dạng 2 loại bánh này thì phần nào bạn cũng đã có thể hình dung được vì sao bánh lại có tên gọi lạ vậy.
Bánh cam thường có hình tròn to tương đương một quả cam loại nhỏ và có màu vàng cam rất bắt mắt. Do đó, có thể là vì hình dáng bánh hoặc do màu sắc của bánh mà người ta đã đặt tên là bánh cam. Còn bánh còng vì được nặn thành dạng hình tròn rỗng ruột chính giữa và có hình dáng như chiếc vòng đeo tay, có người bảo bánh nhìn giống chiếc còng nên từ đó quen miệng đặt tên luôn cho bánh là bánh còng.
Ở miền Tây, có thể nói món bánh cam, bánh còng là bộ đôi luôn được bán cùng nhau. Do đó, rất hiếm người bán nào chỉ bán mỗi loại bánh cam hoặc mỗi loại bánh còng. Lý do hai món bánh này được bán cùng nhau là vì nguyên liệu làm bánh tương đối giống nhau nên việc tạo ra 2 loại bánh cũng không mất thêm thời gian bao nhiêu, thậm chí bánh còng đôi khi còn dễ làm hơn cả bánh cam và được trẻ em ưa chuộng hơn bởi hình dáng thích mắt.
Bánh cam bánh còng được làm từ nguyên liệu chính là bột nếp và bột gạo. Tuy nhiên, điểm khác biệt của 2 loại bánh này là bánh cam có thêm nhân đậu xanh quết nhuyễn mịn bên trong, còn bánh còng thì không có nhân mà chỉ có bột bánh. Tuy nhiên, mỗi loại bánh đều có cách cảm nhận riêng nên cũng khó có thể khẳng định bánh nào ngon hơn bánh nào.
Điểm hấp dẫn của bánh cam, bánh còng là sau khi rán vàng đều thì mặt ngoài của bánh còn được phết thêm lớp đường thắng đặc giống như mạch nha và có màu vàng óng rất đẹp mắt. Cả bánh cam hay bánh còng cũng đều được phết chỉ một mặt bánh và mặt còn lại để nguyên nhằm giúp khi cầm bánh ăn sẽ không bị phần đường dính vào tay. Ngoài bánh được phết lớp đường thì riêng bánh cam còn có loại không phết đường dính bên ngoài dành cho những bạn không hảo ngọt và không thích đường lắm.
Không chỉ là món bánh ngon mà bánh cam, bánh còng còn gây ấn tượng mạnh với hình thức bán bánh truyền thống. Người bán phần lớn đều đội lên đầu một mâm được chất bánh cao ngất ngưởng đến mức ai nhìn thấy cũng nghĩ là chỉ cần cơn gió thổi qua cũng đã đủ làm mâm bánh đổ ngay ra đường. Thế nhưng, không biết người bán đã tập luyện từ bao giờ nhưng hầu hết ai cũng đội mâm bánh rất điêu luyện, thậm chí có khi chẳng cần dùng tay để vịn vào mâm mà cứ rảo bước trên đường một cách rất tự tin.
Đặc biệt, ngoài miền Tây ra thì bánh cam, bánh còng còn xuất hiện ở rất nhiều nơi khác như miền Đông, Tây Nguyên hoặc ở miền Bắc với tên gọi khác là bánh rán. Cho đến bây giờ, có vẻ rất khó để xác định được nguồn gốc của món bánh dân dã và ngon miệng này, tuy nhiên, không biết từ bao giờ, món bánh cam, bánh còng đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Tây với hình ảnh người bán bánh cam, bánh còng đầu đội mâm bánh giữa trời trưa nắng gắt và giọng rao cứ lảnh lót vang vọng trong không gian: "Ai bánh cam, bánh còng không?". Chỉ cần nghe tiếng rao, tuổi thơ bao người liền ùa về ngay lập tức!