Bánh chưng đen người Thái Mường Lò
Mường Lò - mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Một trong những món ăn ngon ngày tết mang đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.
Mường Lò - mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Một trong những món ăn ngon ngày tết mang đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.
Người Thái làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Trước tết khoảng nửa tháng, các gia đình trong bản Thái đã rục rịch làm bánh chưng đen.
Theo những người già ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, để có chiếc bánh chưng đen vừa ngon, vừa đẹp mắt thì phải trải qua nhiều công đoạn như làm nhân bánh, chọn gạo, trộn gạo với bột than cây núc nác tạo màu đen và vị thơm cho bánh, chọn lá dong…
Núc nác vừa là vị thuốc vừa là món ăn quen thuộc trong ẩm thực mà người Thái yêu thích. Cây núc nác mang về được tước vỏ, phơi khô, đốt thành than. Sau đó giã than mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, làm bánh mới ngon.
Lá dong rửa sạch rồi lau cho thật khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Cũng là nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, thịt lợn chọn miếng có nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp gia vị cho vừa ăn nhưng trong nhân bánh người Thái trộn thêm hoa vừng đen tạo vị ngon khác biệt với loại bánh chưng thông thường.
Kết thúc các công đoạn chuẩn bị là gói bánh. Chiếc bánh chưng đen có hình tròn, dài được gói lên thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Theo tục lệ của người Thái, trước đây, gói bánh chưng đen là một trong những tiêu chí để lựa chọn nàng dâu. Người Thái quan niệm, con gái phải biết gói bánh chưng đẹp, khi bóc ra bánh phải đen ánh, có độ dẻo quánh và lúc thưởng thức thì bánh có đủ vị thì mới là người con gái khéo léo, đảm đang, sẽ là người vợ hiền, người con dâu tốt. Sau 8 đến 10 tiếng luộc trong nồi, bánh được vớt ra cho vào chậu nước lạnh rửa qua rồi treo lên cho để được lâu.
Sự tinh tuý trong chiếc bánh chưng đen thể hiện ở sự kết hợp giữa hương vị thơm ngon của gạo nếp, của cây núc nác và của nhân bánh có trộn hoa vừng đen. Với vị thơm ngon đặc biệt, bánh chưng đen đã trở thành “đặc sản”. Không chỉ ngày tết mà cả ngày thường, du khách đến Nghĩa Lộ cũng tìm đặt mua mang về làm quà.
Ông Lường Văn Mộc, bản Đêu 2 là người chuyên làm bánh chưng đen cung cấp cho các nhà hàng ở thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái cho biết: “Bánh chưng đen của chúng tôi giờ được rất nhiều người ưa chuộng bởi bánh được làm từ hương vị của cây rừng, ăn tốt cho sức khỏe. Trước đây, gia đình chỉ làm vào mỗi dịp tết đến nhưng bây giờ do nhu cầu của khách hàng nên mỗi ngày gia đình tôi làm từ 70 đến 80 chiếc để bán. Có những người tới đặt liền mấy trăm cái”.
Chị Nguyễn Khánh Vân, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Bánh chưng đen có mùi thơm khác biệt. Ngày tết, ngoài bánh chưng xanh, tôi cũng mua thêm bánh chưng đen để làm phong phú thêm hương vị ngày tết cho gia đình”.
Chị Đỗ Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Ngày nay, với sự phát triển của xã hội khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao đâu đâu cũng tràn ngập các loại bánh. Với người Thái Mường Lò, làm bánh chưng đen được gìn giữ như một nét văn hóa ẩm thực, mang đặc trưng riêng của người Thái. Đây là nét văn hóa mà nhiều du khách khi đến Mường Lò lưu luyến khó quên”.
Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò - nơi miền Tây Yên Bái.