Bánh dày - Đặc sản của người Mông ở Điện Biên

Tết của đồng bào Mông không thể bỏ qua đặc sản bánh dày: món quà thiên nhiên ban tặng, tượng trưng cho trái đất tròn, môi trường sinh thái trong lành. Thưởng thức hương vị thơm ngon, thuần khiết của bánh dày nhưng ít ai nghĩ làm bánh dày của người Mông kỳ công ra sao, kén chọn chất liệu làm bánh như thế nào?

Tết của đồng bào Mông đúng dịp vùng cao thu hoạch mùa màng xong: lúa đã vào bồ; ngô, lạc, đậu tương chất đầy góc nhà... Không khí xuân tràn ngập núi rừng: lộc xuân biếc xanh từng đầu cành, hoa đào nở thắm các sườn núi, hoa mận trắng vườn và các nam nữ thanh niên Mông trong những bộ trang phục đẹp nhất du xuân, tìm hiểu bạn đời. Bà con các bản xa có dịp thăm hỏi nhau, mổ lợn, gà ăn Tết vui xuân kéo dài cả tháng và qua cả Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Tết của đồng bào Mông không thể bỏ qua đặc sản bánh dày: món quà thiên nhiên ban tặng, tượng trưng cho trái đất tròn, môi trường sinh thái trong lành. Thưởng thức hương vị thơm ngon, thuần khiết của bánh dày nhưng ít ai nghĩ làm bánh dày của người Mông kỳ công ra sao, kén chọn chất liệu làm bánh như thế nào?

Nguyên liệu làm bánh dày hoàn toàn là quà tặng từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp gien gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ; nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gẫy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh.

Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10 kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa. Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh, trai tráng được chọn giã bánh dày, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh.

Những tàu lá giong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều. 

Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên nam gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá giong. Màu trắng mịn như bột lọc, nổi bật giữa nền xanh của lá tạo màu sắc hấp dẫn.

Bánh dày để được rất lâu, có thể nướng trên bếp than củi hồng chấm cùng mật o­ng hoặc cắt thành miếng rán giòn, miếng bánh phồng to nhìn rất hấp dẫn, thưởng thức có hương vị đặc biệt. Ngày xuân, thưởng thức bánh dày dân tộc Mông vừa không ngán, vừa giữ được bản sắc văn hóa của món ăn cổ truyền của dân tộc.
 

Bình luận của bạn