Bánh gật gù Tiên Yên: Ngon và lạ
Việt Nam vốn nổi tiếng với các món ăn từ phở, nhưng mỗi vùng miền phở lại được chế biến với phương thức và hương vị riêng. Ở Tiên Yên ( Quảng Ninh), một món bánh phở với cái tên ngộ nghĩnh “ bánh gật gù” được coi là đặc sản có một không hai.
Việt Nam vốn nổi tiếng với các món ăn từ phở, nhưng mỗi vùng miền phở lại được chế biến với phương thức và hương vị riêng. Ở Tiên Yên ( Quảng Ninh), một món bánh phở với cái tên ngộ nghĩnh “ bánh gật gù” được coi là đặc sản có một không hai.
Cái tên “ bánh gật gù” xuất phát từ dáng hình, tính chất của bánh và khoái cảm của người ăn. Chiếc bánh khi cầm trên tay như người ngủ gật, ngả ngón nhiều phía nhưng nhờ tính dẻo dai mà không gãy còn khi thưởng thức bánh, thực khách thích thú, gật lên gật xuống khen ngon. Cũng từ đó, tên gọi bánh gật gù ra đời khá hài hước và gây hứng thú khám phá hương vị cho người ăn.
Đã là đặc sản thì quy trình chế biến phải rất kì công và có bí quyết riêng. Anh Lê Quốc Cường, chủ tiệm bánh gật gù Tiên Yên chia sẻ “ Để làm loại bánh này, gia đình phải dạy từ 5h sáng để chuẩn bị nguyên liệu. Bánh được làm thủ công, trực tiếp tráng, khâu pha chế khác với các loại bánh phở thường, ăn phải thấy độ giòn của bánh thì mới đạt yêu cầu, bánh mà ăn thấy tan trong miệng coi như hỏng”. Nếu nhiều nơi bánh phở sử dụng máy để sản xuất với số lượng lớn thì ở Tiên Yên bánh phở được làm thủ công từ khâu tráng đến khâu cuốn. Ngày qua ngày, từng chiếc bánh gật gù được tráng mỏng, cuốn trong lúc còn nóng bởi bàn tay thuần thục, cần mẫn của những người thợ làm bánh.
Như các món bánh phở khác, nguyên liệu làm bánh gật gù từ gạo nếp, nhưng khâu pha bột có khác. Gạo phải được vo sạch, trộn cùng cơm nguội và xay nhuyễn cùng nước. Có lẽ do cơm nguội và bí quyết gia truyền của thợ làm bánh mà chiếc bánh gật gù có độ dẻo và độ giòn khác biệt. Một chiếc bánh phở thông thường được cuốn chặt, không nhân, chỉ có vị ngọt nhẹ của gạo nếp đâu thể làm nức lòng người ăn. Cái làm dậy mùi, dậy vị và khiến chiếc bánh gây nghiện chính là nước chấm được chế biến theo công thức đặc biệt. Người ta phi vàng hành khô, đảo cùng thịt băm và chút mắm, tiêu và mỡ gà để cho ra hỗn hợp nước chấm thơm phức, béo ngậy, váng vàng.
Bánh gật gù và nước chấm luôn phải dùng kèm nhau, và đặc biệt hơn khi ăn người ta phải dùng tay để thưởng thức trọn vị thơm ngon của món đặc sản gần gũi, bình dân này.