Bánh khoái cá kình chợ làng Chuồn
Nói đến bánh khoái (bánh xèo) thì hầu như ở miền quê nào ở miền Tây Nam Bộ đều có. Nhưng bánh khoái nhân cá kình thì chỉ có ở xứ Huế, món ăn độc đáo này nếu thưởng thức thường xuyên có thể nói là “ghiền”.
Cá kình dùng để làm nhân bánh khoái là loại cá kình nước lợ, sống tự nhiên trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Mùa thu hoạch cá bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Không giống như cá kình biển, loại cá kình này có hình dáng bé nhỏ. Con lớn nhất cũng chỉ lớn hơn hai ngón tay người lớn nhưng rất thơm ngon, giàu dinh dưỡng và xương giòn, mềm. Cá kình còn được xem là một vị thuốc chữa bệnh trong dân gian. Chính vì thế giá của loại cá này không hề rẻ. Vào mùa cá kình có khi lên đến 300.000 đồng/kg. Cư dân vùng đầm phá thường dùng cá kình để nấu cháo hay nấu canh chua nhưng độc đáo nhất là dùng làm nhân bánh khoái.
Cá tươi được rửa sạch bằng nước muối cho ráo (để nguyên con, không làm ruột). Bột để làm loại bánh khoái này là bột gạo làng Chuồn nổi tiếng thơm ngon (đã làm nên thương hiệu bánh khoái cá kình làng Chuồn nức tiếng xứ Huế). Bột gạo để làm bánh được vo sạch, ngâm khoảng 3 giờ sau đó xay thủ công bằng cối đá. Để bánh giòn ngon cần phải biết pha bột đúng cách. Bởi nhiều nước bánh nhão, ít nước bánh khô, cứng mất cảm giác ngon miệng.
Để chiếc bánh thêm phần hấp dẫn nên pha thêm vào bột một chút bột củ nghệ vàng, hành lá cắt nhỏ, chút tiêu, muối, bột ngọt…Đổ bánh vào khuôn, khoảng ba phút sau thì bánh chín, mở nắp khuôn sẽ dậy lên một mùi thơm đặc trưng, quyến rũ. Bánh được bày đĩa có màu sém vàng cả hai phía trông thật hấp dẫn ai nhìn vào cũng muốn được thưởng thức ngay.
Bánh khoái cá kình thường được ăn kèm rau sống (gồm rau thơm, xà lách, nõn hoa chuối, giá sống, rau cải con…) và được chấm với nước mắm nguyên chất được chắt lọc từ những chum ruốc của biển Thuận An cùng mấy trái “ớt hiểm” chín đỏ thì có thể nói là “ngon nhức răng”.
Ăn bánh khoái cá kình không nên ăn vội mà phải từ tốn, chậm rãi. Người thưởng thức có thể dùng đũa hay dùng tay sạch để nhón từng miếng cá chấm mắm ớt kèm mấy cọng rau thơm hay cầm từng miếng bánh sém vàng, giòn tan đưa vào miệng thì cảm giác sẽ vô cùng sảng khoái. Thịt cá ngọt thơm, ruột cá béo pha chút đắng dịu của mật cá sẽ để lại cảm giác khó quên. Đến với xứ Huế, về đầm Chuồn, ngắm cảnh trời mây, sóng nước Tam Giang mênh mông xa dần trong màu lam sương khói lại được ăn bánh khoái cá kình thơm ngon bổ dưỡng thì quả là một trải nghiệm thú vị mà dễ “nơi mô” có được.